Rượu whisky - Hàn thử biểu của nền kinh tế?
(Dân trí) - Thoạt nghe có vẻ lạ tai, nhưng một số người coi doanh số tiêu thụ rượu whisky Scốt-len như một hàn thử biểu của nền kinh tế thế giới, và thể hiện cảm nhận của mọi người đối với hiện tại và tương lai.
“Tôi tin rằng có mối tương quan giữa hai cái này,” ông Paul Hughes, Giám đốc Trung tâm quốc tế về rượu bia của Đại học Heriot Watt (Anh), nói.
Lý do cho niềm tin này cũng khá đơn giản.
Sản phẩm toàn cầu
Whisky Scốt-len thực sự là một sản phẩm toàn cầu, tiêu thụ tại hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù không phải là một mặt hàng thiết yếu, như gạo hay dầu mỏ, nhưng lại có mặt ở gần như mọi ngõ nghách trên thế giới; và do đó, nhiều người cho rằng nó là một thước đo khá chính xác về sức khoẻ nền kinh tế thế giới.
Trong 30 năm qua, doanh thu từ whisky mới chỉ giảm 3 lần, vào các năm 1983, 1998 và 2004.
Vậy diễn biến trong năm vừa qua của ngành kinh doanh này nói lên điều gì về tình hình hiện tại của nền kinh tế thế giới? Nếu nhìn vào các con số, và nếu đúng đây là thước đo sức khoẻ nền kinh tế, thì tình hình không phải là quá xấu.
2007 là một năm doanh số tiêu thụ whisky Scốt-len tăng mạnh, phá vỡ nhiều kỷ lục trước đó. Hơn 1,13 tỷ chai đã được xuất khẩu, tăng 8% so với năm 2006. Doanh số này đem lại doanh thu 2,2 tỷ bảng Anh, tăng 15% so với năm 2006. Phạm vi bành trướng địa lý của sản phẩm này cũng tăng lên.
Trong 10 thị trường tiêu thụ whisky Scốt-len lớn nhất thế giới, chỉ có hai thị trường giảm về doanh thu, và cũng chỉ có hai thị trường giảm về số lượng, còn lại tất cả đều tăng mạnh.
Tuy nhiên, đáng chú ý là doanh số tiêu thụ của thị trường Mỹ đã giảm 5%, trong khi đây luôn là thị trường quan trọng nhất của ngành này, với giá trị thường bỏ cách thị trường thứ hai không dưới 100 triệu bảng Anh.
Dù giá trị thị trường rượu whisky tại Mỹ vẫn tăng 5% trong năm 2007 nhưng sự sụt giảm tương ứng về số lượng, nên xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu suy giảm của thị trường trong năm nay.
Những thị trường tiêu thụ rượu whisky Scốt-len lớn nhất thế giới năm 2007 (đơn vị tính: bảng Anh) | |
Mỹ | 419 triệu |
Tây Ban Nha | 307 triệu |
Pháp | 294 triệu |
Singapore | 158 triệu |
Hàn Quốc | 139 triệu |
Venezuela | 104 triệu |
Hy Lạp | 103 triệu |
Đức | 96 triệu |
Nguồn: Hiệp hội whisky Scốt-len
Bắt đầu có một số ý kiến nghi ngại rằng cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ sẽ khiến whisky Scốt-len, vốn được xem như một loại hàng “cao cấp bình dân”, trở thành loại hàng hóa quá xa xỉ đối với nhiều người.
Dù cho rằng hiện không có gì nghiêm trọng với thị trường Mỹ, nhưng với những khó khăn hiển hiện đối với “đầu tàu kinh tế” này, các nhà sản xuất rượu whisky vẫn không ngừng quan sát diễn biến thị trường.
Họ có lý do để thận trọng, vì cách đây không lâu, những sụt giảm nghiêm trọng của tốc độ tăng trưởng kinh tế đã có tác động tiêu cực đối với ngành này.
Cuộc khủng hoảng tài chính hồi cuối thập niên 90 ở châu Á đã khiến các thị trường lớn như Hàn Quốc và Đài Loan chao đảo và ngành này đã phải mất 4-5 năm mới hoàn toàn khôi phục được doanh số.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán tác động của đợt suy thoái kinh tế Mỹ hiện nay có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn, vì phần thu nhập khả dụng trong giá thành mỗi chai whisky ở Mỹ thấp hơn ở châu Á.
Các thị trường mới nổi
Ngành sản xuất rượu whisky đã có chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho đợt sụt giảm tăng trưởng kinh tế lần này. Họ đã thực sự thâm nhập vào các thị trường mới nổi đầy tiềm năng, nơi whisky Scốt-len từng là một loại xa xỉ phẩm.
Trong số đó, tốc độ tăng trưởng doanh số của họ tại Trung Quốc, Nam Phi và Nga là ấn tượng nhất. Whisky Scốt-len đã trở thành thứ đồ uống sành điệu của một lớp trẻ giàu có ở các thành phố lớn của Trung Quốc, như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Ngành này đã tiêu tốt không ít tiền cho việc bảo vệ thương hiệu tại Trung Quốc, vì biết rằng bản chất cao cấp của sản phẩm đồng nghĩa với việc nó dễ bị làm giả.
Mặc dù thống kê doanh số xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc giảm trong năm ngoái, nhưng ngành sản xuất rượu whisky cho biết các con số đó chưa phản ánh đúng thực tế, vì có nhiều lô hàng nhập khẩu vào nước này qua các cảnh khác trong khu vực, đặc biệt là Singapore.
Thị trường Nam Phi cũng đã tăng trưởng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua, phản ánh tình hình tăng trưởng kinh tế của nước này. Doanh số tại Nam Phi hiện chiếm 70% tổng nhập khẩu rượu whisky vào châu Phi.
Trong khi đó, sự tăng trưởng doanh số tại thị trường Nga được coi là một hiện tượng khó hiểu. Đây là một nước vốn không có văn hóa uống whisky, nhưng sự bùng nổ du lịch sang Anh rồi từ đó sang Scốt-len đã đưa loại rượu này về Nga và bắt rễ thị trường.
Sự mở rộng của Liên minh châu Âu cũng đã giúp mở cửa thị trường Đông Âu. Tại đây, doanh số tiêu thụ whisky Scốt-len tăng mạnh do việc bãi bỏ các loại thuế.
“Không tự mãn”
Mặc dù có thể còn chút lo lắng về triển vọng của thị trường Mỹ, nhưng cho tới chừng nào doanh số tại các thị trường mới nổi còn khả quan và nhu cầu tại các nước như Colombia (doanh số năm ngoái đạt 17 triệu bảng Anh) còn tăng mạnh thì ngành sản xuất whisky Scốt-len còn nhìn thấy tương lai tươi sáng.
“Chắc chắn là chúng tôi không tự mãn về tương lai và những triển vọng, và chúng tôi đang thận trọng dõi theo từng diễn biến thị trường để nhận định tình hình chung, chứ không chỉ ở Mỹ. Nhưng chúng tôi đang nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành. Việc xuất khẩu sang 200 thị trường giúp chúng tôi giảm nhẹ thiệt hại khi có biến động của thị trường khu vực," ông David Williamson, đại diện Hiệp hội whisky Scốt-len, giải thích.
Whisky chiếm 12% tổng xuất khẩu của Scốt-len và 1/4 xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Anh quốc.
Với tất cả những điều trên, từng nhịp đập của ngành này sẽ nói lên nhiều điều về tương lai, dù không phải là tất cả.
Đặng Lê
Theo BBC