Reels - "con gà đẻ trứng vàng" của Facebook - tràn ngập nội dung nhảm nhí

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Sự phát triển quá nhanh của những tính năng này đã đặt ra câu hỏi về vấn đề kiểm duyệt nội dung.

"Mỏ view" mới của các mạng xã hội

Sau hơn một năm triển khai, Meta (công ty mẹ của Facebook) cho biết Reels là tính năng phát triển nhanh nhất của công ty và vẫn đang trên đà tăng trưởng. Một báo cáo cho thấy số lượt xem video ngắn thông qua Reels trên Facebook đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Tháng trước, Meta thông báo người dùng tính năng video ngắn Reels sẽ có thể đăng nội dung dài hơn, lên tới 90 giây thay vì 60 giây như trước. Việc này được cho là để tăng tính cạnh tranh của Meta với TikTok. Bên cạnh đó, Meta cũng đang triển khai nhiều công cụ sáng tạo hơn để thu hút người dùng.

Reels - con gà đẻ trứng vàng của Facebook - tràn ngập nội dung nhảm nhí - 1

Reels được Facebook chính thức giới thiệu vào đầu năm ngoái (Ảnh: Social Samosa).

Ngày 26/4 vừa qua, Meta đã báo cáo doanh thu lần đầu tiên tăng sau gần một năm. Đáng chú ý, CEO Mark Zuckerberg cho biết kết quả trên một phần là nhờ sự tăng trưởng của Reels. Theo Zuckerberg, Reels đang tăng mức độ tương tác tổng thể và Meta đang giành được thị phần trong thị trường video ngắn.

"Khi Reels ra mắt vào năm ngoái, việc kinh doanh của công ty đã không tốt như tôi mong muốn. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã được cải thiện đáng kể", CEO 38 tuổi phát biểu trong một cuộc họp với các nhà phân tích.

Kiểm duyệt nội dung gặp khó

Hiện Facebook vẫn là một trong những nền tảng mạng xã hội hàng đầu thế giới. Khi ứng dụng này phát triển với tốc độ chóng mặt ở Kenya và châu Phi, công ty đã không theo kịp và kiểm soát được sự gia tăng của nội dung liên quan đến bạo lực, khủng bố, ngôn từ kích động hay thông tin sai lệch.

Chiến lược kiểm duyệt nội dung video của Meta như sau: thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ quét nội dung không phù hợp để gỡ bỏ hoặc không cho phép đăng trên nền tảng.

Tuy nhiên, công ty thừa nhận rằng rất khó để đào tạo AI nhận diện ngôn từ hay hành động kích động, sai lệch bằng ngôn ngữ khác tiếng Anh. Một số báo cáo đã chỉ ra rằng các bài đăng hay video có nội dung vi phạm bằng ngôn ngữ khác thường dễ dàng lọt qua vòng kiểm duyệt của Meta.

Một trong những tác giả của báo cáo cho biết sự phụ thuộc vào AI là một vấn đề cốt lõi bởi những kẻ xấu đã học cách đánh lừa hệ thống. Ví dụ, chỉ cần biết AI sẽ cấm một từ nào đó trong miêu tả video, họ sẽ "lách luật" bằng cách viết tắt hoặc thêm dấu chấm, phẩy vào giữa các chữ cái của từ. Khi đó, hệ thống sẽ không nhận diện được từ đó một cách chính xác.

Từ tháng 1 đến tháng 3 năm ngoái, Meta tuyên bố đã xóa 15 triệu nội dung vi phạm chính sách khủng bố nhưng không cho biết có bao nhiêu nội dung như vậy vẫn còn tồn tại trên nền tảng.

Sở dĩ Meta không hề hấn gì tại Kenya dù nền tảng tràn ngập nội dung nhảm nhí, độc hại một phần vì luật pháp nước này không trực tiếp buộc các công ty truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung có hại trên nền tảng của họ.

Ngược lại, theo một đạo luật ở Đức, các công ty có thể bị phạt tới 50 triệu USD nếu không xóa nội dung bất hợp pháp trong vòng 24 giờ kể từ khi người dùng gửi khiếu nại.

Reels - con gà đẻ trứng vàng của Facebook - tràn ngập nội dung nhảm nhí - 2

Kiểm duyệt nội dung trên tính năng video ngắn là vấn đề khiến nhiều mạng xã hội lớn đau đầu (Ảnh: BBC)

Các chuyên gia cảnh báo nếu Meta không điều chỉnh việc kiểm duyệt nội dung độc hại, đặc biệt là các video thường và video ngắn, chính phủ của nhiều nước sẽ thay họ làm điều đó theo cách bất lợi cho gã khổng lồ này.

Một chuyên gia chia sẻ: "Nếu các nền tảng như Meta không hành động, nó sẽ trở thành cái cớ để các chính phủ đàn áp, thậm chí khiến các ứng dụng biến mất. Trong khi đó, hàng tỷ người dùng vẫn muốn sử dụng những nền tảng này".

Ngập tràn video ngắn câu view, nhảm nhí

Mặt trái của sự phát triển nhanh của những tính năng như Reels là đội ngũ kiểm duyệt đôi khi không theo sát được nội dung, khiến video nhảm nhí, vô bổ tràn lan.

Nanjala Nyabola - nhà nghiên cứu xã hội kiêm chuyên gia công nghệ người Kenya, nhận xét: "Các nền tảng thường chọn video có chủ đích nhằm câu view và tối ưu hóa lợi nhuận. Họ coi người dùng là thị trường để kiếm lời chứ không phải một cộng đồng với những quy tắc cần tuân thủ".

Tại Việt Nam, Reels cũng là tính năng được nhiều người sử dụng mỗi ngày vì  người dùng vừa có thể lướt bảng tin trên Facebook, vừa có thể lướt xem video ngắn mà không cần thoát ra ngoài.

Chị Hồng (Hà Nội), cho biết khi có thời gian rảnh, chị thường lướt Reels để giải trí. Dù chị chỉ quan tâm đến những nội dung như du lịch, làm đẹp, thú cưng nhưng khi lướt, thỉnh thoảng chị lại bắt gặp nội dung phản cảm hay quảng cáo cho vay tiền lãi suất cao. "Nếu các bậc phụ huynh không kiểm soát việc con cái lướt mạng xã hội, các video có nội dung độc hại sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt", chị bày tỏ. 

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện một số ứng dụng và tính năng video ngắn phổ biến tại Việt Nam như TikTok, Facebook Reels hay YouTube Shorts để ngăn chặn nội dung nhảm nhí, độc hại.

Theo Tổng hợp