Rao bán tiền giả trên mạng: “Có hay không cũng cần nghiêm trị”!
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc mua bán, tàng trữ và tiêu thụ tiền giả là hành vi phạm tội. Việc cố ý rao bán tiền giả trên mạng hoặc bất cứ phương tiện nào khác, cho dù đó là chiêu thức để lừa đảo, chiếm đoạt tiền thật thì cần phải được nghiêm trị và dẹp bỏ.
Trước thông tin nhiều độc giả báo Dân Trí phản ánh về tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều hình thức rao bán tiền giả trên facebook, PV Dân Trí đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về thực trạng của vấn đề này và những nguy cơ đối với xã hội.
Mua bán và tiêu thụ tiền giả là trái pháp luật
Theo nhiều chuyên gia, mạng xã hội là không gian mở với nhiều tính năng và tác dụng xen lẫn với là những tiêu cực. Chính vì vậy, cần loại bỏ các hố đen, điểm tiêu cực để mạng xã hội thiết thực, là không gian kết nối thay vì không gian ảo với đầy rẫy những nguy hiểm rình rập.
Về câu chuyện rao bán tiền giả trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà xã hội học hay luật học cho rằng, cần tìm hiểu chính xác thực tế và những biến tướng của chiêu trò này. Nếu thật buôn bán tiền giả diễn ra và có nhiều người sử dụng facebook làm môi trường phạm pháp, thì cần nghiêm trị.
Nếu việc rao bán tiền giả chỉ là cái cớ để cho những chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tiền thật của những kẻ tham lam, thì cũng cần được lên án, răn đe thậm chí xử lý trước pháp luật để thông tin trong sạch và xã hội yên bình.
Theo T.S Nguyễn Minh Phong, Ban Khoa giáo, Báo Nhân Dân: "Xu hướng thương mại trên facebook đang nở rộ rất mạnh, người ta còn có cả nghiệp vụ Marketing Facebook để tiếp thị sản phẩm cho trang wesite… Tại Việt Nam, kinh doanh, tiếp thị quảng cáo trên Facebook là hợp pháp, song với những sản phẩm có ảnh hưởng đến anh ninh quốc gia, an ninh tiền tệ, trái luân thường đạo lý, làm ảnh hưởng đến môi trường xã hội và văn minh đều bị cấm như ngoài thị trường. Rất nhiều người đã từng bị xử phạt vì hành vi phát tán các thông tin giả, thông tin sai hoặc thông tin gây kích động, trù dập người khác trên Facebook".
Trên thực tế, nhiều người cho hay các đối tượng rao bán tiền giả đều sử dụng tiền thật để lừa những người có lòng tham mua tiền giả lưu hành. Vì thế, nhiều người cho rằng các đối tượng không mua bán, lưu hành tiền giả mà chỉ lợi dụng tiền giả để chuộc lợi.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Vẫn chưa thể khẳng định tiền giả được 1 số cá nhân rao bán trên mạng xã hội có phải là tiền giả hay không? Đây là nhiệm vụ của cơ quan pháp luật. Trên thực tế đã nói đến tàng trữ, mua bán và tiêu thụ tiền giả là trái pháp luật, dù anh có tung tin đồn để gây hoang mang dư luận hay khiến nhiều kẻ hám lợi mất tiền thì hành vi này cũng đáng lên án và cần được xử lý trước pháp luật.
“Với việc rao bán tiền giả ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, làm cho xã hội cảm tưởng việc rao mua hay tiêu thụ tiền giả dễ dàng, từ đó có thể phát sinh nhiều tội phạm tiền giả. Tiền giả nếu được mua bán và tiêu thụ trót lọt ở vùng quê, nông thôn và vùng sâu, xa sẽ ảnh hưởng làm hoang mang dư luận”.
Mất tiền thật vì tiền giả: Không thể đổ lỗi vì thiếu hiểu biết
T.S Minh Phong cho rằng: Về hành động vi phạm luật pháp của những người đặt mua, liên hệ với đối tượng rao bán tiền giả, họ đều là những đối tượng cố ý vi phạm pháp luật, tiếp tay và có ý định phạm pháp, dù có hay không có tiền giả được rao bán.
“Nếu không có tiền giả được rao bán, những người này là nạn nhân trực tiếp và có ý định phạm tội. Còn nếu có tiền giả được rao bán, đây là những người đồng lõa, cố ý phạm pháp và có dấu hiệu trục lợi cá nhân.
Hiện, số lượng người sử dụng internet của Việt Nam khoảng 30 triệu người, chiếm 2/3 dân số, số lượng người có tài khoản mạng xã hội facebook cũng rất lớn. Đa số người này đều hiểu biết, sử dụng thành thạo máy vi tính, thậm chí tìm hiểu được nhiều thông tin nên không có chuyện vô tình phạm pháp hoặc bị kẻ khác dụ dỗ… Chính vì vậy, nếu tiêu thụ tiền giả, chắc chắn ‘”lằn ranh” pháp luật sẽ không loại trừ họ. Không thể đổ lỗi vì thiếu hiểu biết mà mua bán tiền giả hoặc bị lừa vì tiền giả được.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO: Về trách nhiệm trước pháp luật của những người đặt mua tiền giả. Đây là hành vi vi phạm pháp luật vì với các sản phẩm cấm lưu hành, luật pháp ghi rõ các cá nhân khi phát hiện phải báo cho cơ quan chức năng xử lý. Hành vi giao dich với kẻ buôn bán tiền giả bị xem như tàng trữ và buôn bán hàng giả đều bị xử lý trước pháp luật.
Bán tiền giả online không khác gì bán bằng giả, mại dâm online. Việc rao bán tiền giả còn vi phạm các quy định của Nhà nước về an ninh tiền tệ quốc gia. Những người tham lam có ý định mua tiền giả để lừa bán, chuộc lợi bất chính cho thấy xã hội phát sinh nhiều vấn đề và kinh doanh online cần được quản lý nghiêm.
Hiện hành vi buôn bán tiêu thụ tiền giả đã được thể hiện rõ tại các văn bản pháp luật của Nhà Nước. Theo mục 1; Khoản 3, Điều 23, Luật Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010; Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam: Nghiêm cấn làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, mua bán và lưu hành tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào. Các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ đồng tiền Việt Nam nếu phát hiện thấy sản xuất và lưu hành tiền giả, báo cáo cho cơ quan pháp luật gần nhất.
Tại Điều 180 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 quy định: đối với tội phạm sản xuất, lưu hành tiền giả sẽ bị phạt là từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Các đối tượng sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến chung thân, tùy theo mức độ phạm tội.
Nguyễn Tuyền