Quý I/2016: Tăng trưởng thấp nhưng thu ngân sách lại cao!

(Dân trí) - Tăng trưởng Quý I/2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn so với kỳ vọng và có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 27,1% GDP bằng 22,7% dự toán cả năm 2016, cao hơn so với các quý của liền kề năm 2015 và cao hơn so với cùng kỳ các năm 2010 - 2014.

Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố trong Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô trong quý I/2016. Theo đó, tốc độ tăng GDP trong quý I đạt 5,46%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (đạt 6,02%).

Trong đó, tăng trưởng ở khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%. Đây là mức sụt giảm duy nhất sau nhiều năm của khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của thời tiết, tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long và khó khăn trong tiêu thụ nông sản do lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm, cạnh tranh từ nông sản nhập khẩu...

Tăng trưởng kinh tế quý I/2016 chậm lại
Tăng trưởng kinh tế quý I/2016 chậm lại

Cũng theo báo cáo CIEM, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 6,3% trong quý I, tuy nhiên thấp hơn đáng kể so với quý I/2015 và quý IV/2015.

Về sức khỏe của doanh nghiệp, quý I/2016 cả nước có hơn 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn là hơn 185 nghìn tỷ, tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng, ngừng hoạt động và giải thể quý I/2016 cũng rất cao lên đến hơn 22.000 đơn vị. Trong đó số số giải thể là 2.919, tăng 13,8%; Số gặp khó khăn, ngừng hoạt động là hơn 20.000, tăng mạnh ở mức 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong quý I đạt 230,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ 2015, bằng 22,7% dự toán cả năm 2016 và tương đương 27,1% GDP.

Tuy nhiên, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu đều giảm đáng kể. Trong quý I, thu từ dầu thô ước đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 54,1% so với cùng kỳ 2015 và bằng 16,4% dự toán cả năm 2016. Thu từ xuất nhập khẩu ước đạt 54,6 nghìn tỷ đồng trong quý I, giảm 11,5% và bằng 20,2% dự toán.

Đặc biệt, quý I/2016 thu nội địa tăng khá nhanh, ước đạt 193,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10% và bằng 24,7% dự toán. Đây có thể là một gánh nặng về chi phí đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, bên cạnh các điều chỉnh tăng chi phí khác (nhất là chi phí bảo hiểm xã hội).

Chi NSNN ước đạt 277,6 nghìn tỷ đồng trong quý I, bằng 21,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Mức chi này vẫn cao hơn so với mức tăng thu NSNN.

Về bội chi NSNN, quý I, bội chi ước đạt gần 47,1 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bội chi so với GDP ở mức 5,53%, cao hơn so với năm 2015 (4,61%), năm 2014 (4,91%) và mức trung bình các năm 2011-2015 (4,86%).

Theo Viện CIEM, nếu mức bội chi không được kiểm soát, dư địa điều hành tài khóa sẽ tiếp tục giảm và sức ép phát hành trái phiếu chính phủ có thể tăng trong các quý cuối năm 2016.

Một điểm đáng lưu ý những năm gần đây là chi đầu tư ngày càng giảm, chi thường xuyên và chi khác tăng lên

T.S Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM khẳng định: “Nhìn vào số chi NSNN có thể nhận thấy, những nỗ lực kiềm chế chi NSNN chưa giúp cải thiện tình hình thâm hụt NSNN và áp lực đối với nợ công. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là nghĩa vụ trả nợ công đang tăng lên nhanh chóng, hiện nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng từ 185,8 nghìn tỷ đồng năm 2013 lên 296,2 nghìn tỷ đồng năm 2015".

Theo ông Cung, nếu tính cả nợ bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, con số nghĩa vụ nợ còn lớn hơn rất nhiều, dự kiến năm 2015 là 418,4 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2007-2013, chi đầu tư chiếm tỷ trọng trung bình trong tổng chi là 27,7%. Tuy nhiên, trong hai năm 2014-2015, chi đầu tư chỉ còn 16,3% và 15,6% GDP.

Nguyễn Tuyền

Quý I/2016: Tăng trưởng thấp nhưng thu ngân sách lại cao! - 2