1/4 ngân sách phải dành trả nợ trong năm 2016

(Dân trí) - TS. Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm nay, khả năng ngân sách sẽ phải dùng đến 1/4 để trả nợ.

Thông tin tại buổi họp báo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2016 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chiều 12/4, ông Lưu Bích Hồ cho hay: "Theo như con số chưa công báo nhưng tôi được biết (biết một cách khá chắc chắn) là năm nay sẽ phải dùng đến 24-25% ngân sách để trả nợ đến hạn của 2016".

"Đó là điều chưa bao giờ có và rất đáng lo ngại" - ông Lưu Bích Hồ đánh giá.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh cũng nhận định, thâm hụt ngân sách sẽ là "trục" xuyên suốt của cả năm 2016. Theo ông Ánh, để bù thâm hụt ngân sách có 3 cách: đi vay trong nước, đi vay nước ngoài và in tiền (gây ra lạm phát).

Nếu vay nước ngoài không được buộc sẽ phải xoay sang vay trong nước. Lúc đó, Chính phủ sẽ buộc sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thông qua tăng lãi suất huy động. Bên cạnh đó, sẽ phải gia tăng thời hạn vay đối với trái phiếu.

Trong phiên họp báo này, trao đổi với phóng viên Dân Trí, các chuyên gia kinh tế đã cung cấp những cái nhìn trực diện, đầy thẳng thắn về bài toán ngân sách hiện nay:

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu tỏ ra lo ngại về tình hình cân đối ngân sách và vấn đề trả nợ trong năm 2016
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu tỏ ra lo ngại về tình hình cân đối ngân sách và vấn đề trả nợ trong năm 2016

Các chuyên gia bình luận như thế nào về kế hoạch nới trần nợ công của Chính phủ khi năm nay được đánh giá sẽ là đỉnh nợ? Trong khi nợ tăng mà ngân sách ngày một căng thẳng, vậy chúng ta trả nợ bằng cách nào?

TS.Vũ Đình Ánh:

Trong cơ cấu chi thì chi cho đầu tư phát triển chiếm chưa đến 20% tổng thu nhà nước, chi thường xuyên trên 70%, phần còn lại là chi trả nợ. Tuy nhiên, phần nợ lãi lại được tính vào chi thường xuyên. Chính vì vậy, tỉ lệ chi thường xuyên hiện nay có lúc áp sát đến 80% tổng thu nhà nước.

Do phần trả nợ gốc được đưa ra bên ngoài nên tạo ra chênh lệch thâm hụt ngân sách theo chuẩn Việt Nam với quốc tế. Căng thẳng ngân sách liên quan đến việc trả nợ gốc và trả nợ lãi tăng trong khi tốc độ tăng quy mô thu ngân sách không theo kịp.

Trên thực tế sau khi vượt trần năm 2015, Chính phủ đã mở ra hướng nới trần nợ Chính phủ lên 55% GDP, nợ nước ngoài khoảng 50%. Vậy trần nợ có cần nới nữa không? Có hai điểm: Thứ nhất nhận định về quy mô nợ công Việt Nam so với GDP. Chính phủ khẳng định năm 2016 sẽ là đỉnh nợ, nhưng theo thông tin gần đây tôi được biết thì không có chuyện đó, năm 2017, 2018 nợ công vẫn tăng, dự tính đến hết 2018 mới giảm.

Tuy nhiên, năm 2016, theo báo cáo tỉ lệ nợ công là 62,2% GDP như vậy, thì tôi cho rằng, đến năm 2018, trần nợ công 65% không cần nới vẫn đủ dư địa. Nhưng trong kết cấu nợ thì có thể có thay đổi, chẳng hạn có thể chuyển một phần nợ Chính phủ hiện đã vượt trần sang nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Hiện nay, gánh nặng này đang được san sẻ một phần thông qua chủ trương cho địa phương vay lại vốn ODA thay vì cấp phát như trước.

Nghĩa là về mặt kỹ thuật có thể có những cách giúp Chính phủ không cần nới trần nợ công thì tỉ lệ nợ vẫn trong giới hạn an toàn. Vấn đề nằm ở chỗ "nợ thì phải trả, nhưng lấy nguồn đâu để trả?" đặt trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn: chi thường xuyên không đủ, chi đầu tư phát triển ngày càng giảm, ngân sách ưu tiên trả nợ. Còn thu ngân sách lại đang trong tình trạng không đủ bù chi tiêu, đầu tư trông chờ vào nguồn đi vay.

Chúng ta đang lâm vào cảnh "đi vay để trả nợ". Tình trạng này sẽ tạo nên "vòng xoáy" rất lớn trong điều kiện các khoản ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam bị hạn chế. Tình hình thời gian tới sẽ căng thẳng nhiều hơn so với trước. Chúng ta cũng không được vay những khoản ưu đãi một cách dễ dàng như trước, nghĩa vụ nợ theo đó sẽ tăng lên.

Sức ép trả nợ lên ngân sách là không hề nhỏ, và căng thẳng về cân đối ngân sách sẽ tạo áp lực lên người dân và doanh nghiệp
Sức ép trả nợ lên ngân sách là không hề nhỏ, và căng thẳng về cân đối ngân sách sẽ tạo áp lực lên người dân và doanh nghiệp

Vậy áp lực nợ có tạo thêm gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp thông qua thuế, phí (bằng cách này hay cách khác) hay không?

TS. Vũ Đình Ánh:

Về mặt chính sách thì thuế suất sẽ không tăng. Chẳng hạn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện đang ở mức khoảng 22% thì không có chuyện vì thâm hụt ngân sách mà sẽ đẩy thuế suất TNDN lên để có thêm nguồn thu nội địa.

Thuế xuất, nhập khẩu hiện đang chiếm tỷ lệ lớn thì cũng không thể tăng do liên quan đến các cam kết quốc tế. Thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng không thể điều chỉnh cao hơn so với mức hiện nay là 10%.

Về cơ bản sẽ không có chuyện thắt chặt chính sách tài khóa để tăng thuế cho khoản hụt thu từ dầu thô và bù chi. Tuy nhiên, trong điều hành sẽ có một số điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, trong thu thuế lâu nay có dư địa liên quan đến thất thoát trong hành thu thì từ bây giờ cơ quan thuế sẽ siết chặt để hạn chế khoản này. Hiện tại, Bộ Tài chính đang áp dụng cơ chế giao chỉ tiêu thu cho cả cơ quan Thuế và Hải quan, nghiễm nhiên các đơn vị này sẽ phải tăng cường kỷ luật thu.

Thứ hai, liên quan đến các khoản nợ thuế lên tới hàng ngàn tỷ đồng thì bây giờ các khoản nợ cũ sẽ bị truy thu, nợ thuế mới sẽ bị hạn chế.

Thứ ba, liên quan đến một số sắc thuế. Trước áp lực hiện nay, các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ trong thu thuế TNDN cũng sẽ bị siết lại. Hay ví dụ thuế bảo vệ môi trường (với xăng dầu), giả sử tăng thêm 1.000 đồng thì ngân sách có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng.

Như vậy, áp lực là có trong thực tế nhưng không thể hiện trong chính sách mà thể hiện trong quá trình thực thi chính sách.

Ông Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại):

Tôi muốn nói thêm là không có khả năng điều chỉnh thuế suất trước áp lực ngân sách gia tăng, cả thuế xuất nhập khẩu, thuế TNDN lẫn thuế VAT. Vì đây là vấn đề không hề đơn giản, cần phải trình Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, trong hành thu có thể sẽ có vấn đề siết chặt hơn. Trước đây có thể những khoản thu cũng được không thu cũng được nhưng bây giờ sẽ tận thu, trước đây có thể có những chi phí không bắt buộc thì nay có thể tính đến.

Hơn nữa, ngân sách có phần thất thu do giá dầu giảm, nhưng đồng thời nhờ chi phí đầu vào rẻ hơn, doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tốt hơn dẫn đến thu nhập cao hơn, thu ngân sách cũng tăng. Có thể, hai khoản này không theo một tỉ lệ tuyến tính nhưng có liên quan với nhau. Điều này thể hiện rất rõ trong năm 2015, tuy rằng thu từ dầu thô thấp nhưng thu từ doanh nghiệp lại tăng.

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR:

Quan điểm của tôi cho rằng gánh nặng về thu ngân sách tác động lên doanh nghiệp và người dân chắc chắn là có. Thuế suất cố định bởi luật, nhưng phí thì không. Hay như bảo hiểm cũng là một nguồn giải tỏa về căng thẳng nguồn thu.

Nguyên nhân rốt ráo của những sự nặng nề này rốt cuộc đều đến từ vấn đề kỷ cương chi ngân sách và nợ công. Đây là một câu chuyện lớn và cần bàn bạc kỹ hơn.

- Xin cảm ơn các chuyên gia!

Bích Diệp (thực hiện)

1/4 ngân sách phải dành trả nợ trong năm 2016 - 3