Bình Định:

Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát theo chuẩn sân bay quốc tế

Doãn Công

(Dân trí) - Theo quy hoạch tỉnh Bình Định, Cảng hàng không Phù Cát được nâng cấp sân bay quốc tế và sân bay quân sự cấp I.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Thành Trung mới đây đã trao Quyết định Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Xây dựng đường băng số 2 dài hơn 3km

Theo quy hoạch, vị trí, chức năng Cảng hàng không Phù Cát trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát theo chuẩn sân bay quốc tế - 1

Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định (Ảnh: Dũng Nhân).

Mục tiêu quy hoạch thời kỳ 2021-2030, sân bay Phù Cát đạt cấp sân bay 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương.

Về quy hoạch hạng mục các công trình khu bay, phần hệ thống đường cất hạ cánh thời kỳ 2021-2030 giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước 3.048m x 45m.

Quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 song song, cách đường cất hạ cánh hiện hữu 215m về phía tây với kích thước 3.048m x 45m

Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát theo chuẩn sân bay quốc tế - 2

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung đã trao Quyết định Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát cho lãnh đạo tỉnh Bình Định (Ảnh: Bình Định).

Đối với sân đỗ máy bay, mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 16 vị trí và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.

Đến năm 2050, sân bay Phù Cát có 20 vị trí đỗ máy bay

Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Phù Cát đạt cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp I; công suất 7 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương (có thể tiếp nhận tàu bay code E khi có nhu cầu); phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II.

Đối với sân đỗ máy bay tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục mở rộng sân đỗ đáp ứng 20 vị trí và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu (chưa bao gồm các vị trí đỗ cho hàng không chung, hàng không tư nhân sẽ được xác định cụ thể ở bước triển khai dự án).

Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định các nội dung quy hoạch về công trình đảm bảo hoạt động bay; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung; quy hoạch các công trình dịch vụ hàng không; quy hoạch các công trình dịch vụ phi hàng không, các công trình khác; quy hoạch các công trình đảm bảo an ninh bay…

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết tỉnh sẽ chỉ đạo, cam kết tổ chức thực hiện dự án phát triển sân bay Phù Cát đúng theo quy hoạch vừa được phê duyệt.

"Bình Định xem đây là dự án trọng điểm mở đầu cho quá trình hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông hàng không lâu nay, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh", ông Dũng nói.