Quy định "chồng chéo", 3 năm "hết hơi" làm thủ tục mới khởi công được 1 dự án

(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cho rằng nội dung một số Luật chưa thống nhất, còn “chồng chéo”. Quá trình thực hiện lấy ý kiến nhiều Bộ ngành mất nhiều thời gian, như dự án cao tốc Bắc - Nam phải mất tới 3 năm làm thủ tục.

Trong phiên thảo luận Tổ của Quốc hội chiều 22/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn chứng “điển hình” về quy trình thủ tục với một số bất cập của Luật, bởi nếu “thiết kế” quy trình kéo dài thì rõ ràng triển khai sẽ mất nhiều thời gian.

“Chỉ riêng chuyện xin Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư dự án thôi đã phải mất 1 năm. Với những dự án có vốn trên 10.000 tỷ đồng thì còn phải trình Quốc hội nênn mất nhiều thời gian hơn nữa. Sau khi có chủ trương, công tác đấu thầu tư vấn lập dự án, triển khai lập dự án, báo cáo đầu kỳ, cuối kỳ, phê duyệt… cũng mất 10 - 12 tháng.” - ông Thể thông tin.

Quy định chồng chéo, 3 năm hết hơi làm thủ tục mới khởi công được 1 dự án - 1
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng GTVT dẫn chứng về việc đã mất 1 năm để phê duyệt được 11 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Sau khi có dự án rồi, lại mất thêm 1 năm nữa để đấu thầu tư vấn thiết kế và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán.

“Như vậy, một dự án lớn mất 3 năm cho thủ tục. Nên chăng, chúng ta nghiên cứu rút ngắn lại quy trình, thủ tục, làm rõ thời điểm nào bố trí vốn cho hợp lí, bố trí vốn rồi mà không giải ngân được thì cũng lãng phí.” - Bộ trưởng Thể phân tích.

Với dự án CHK quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bộ trưởng GTVT cho hay: Hiện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới chỉ được giao lập dự án đầu tư. Để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành thì phải có nhà đầu tư. Do liên quan an ninh quốc phòng và nhiều vấn đề khác, chỉ có thể tuyển chọn nhà đầu tư trong nước.

Theo quy định hiện hành, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ phê duyệt dự án trước khi đấu thầu chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đấu thầu cũng không khả thi bởi khi đấu thầu, nhà đầu tư phải có hồ sơ kinh nghiệm, có quản lý, có xây dựng những công trình tương tự. Hiện ở Việt Nam chỉ có duy nhất ACV đang quản lý khai thác 21 sân bay. Sun Group mới triển khai duy nhất CHK quốc tế Vân Đồn.

“Luật Đấu thầu quy định, nếu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia thì Bộ GTVT sẽ xin phép chính phủ để mở thầu để chọn nhà đầu tư đó. Như vậy, phải 1 năm cũng chỉ để chọn ACV. Nếu Quốc hội thống nhất chọn ACV cũng đồng nghĩa là chúng ta sẽ rút ngắn thời gian được 1 năm. Sang năm 2020, chúng ta chỉ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, sang 2021 có thể khởi công. Nếu đấu thầu thì sớm nhất cũng phải năm 2022 hoặc năm 2023 Dự án mới có thể khởi công.” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân trần.

Quy định chồng chéo, 3 năm hết hơi làm thủ tục mới khởi công được 1 dự án - 2
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Cũng trong phiên thảo luận Tổ, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đề cập tới sự chậm trễ của Dự án CHK quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) VÀ nhấn mạnh trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện dự án.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, sau khi Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp rất khó khăn nên Quốc hội đã ra Nghị quyết 53 để tách riêng phần GPMB và đưa ra 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công của địa phương quá chậm.

“Báo cáo cho thấy từ năm 2016 đến nay, địa phương mới “tiêu” được 1% vốn giao của năm 2019, còn toàn bộ 7.000 tỷ đồng giao về vẫn nằm nguyên tại chỗ, như vậy thì làm sao có thể khởi công được” - ông Kiên bày bỏ băn khoăn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kiến nghị với Chính phủ thì các địa phương cũng phải “nhìn lại mình và xem trách nhiệm về vực xử lý, giải ngân vốn đầu tư công gâu chậm tiến độ dự án”.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói về việc tỉnh Đồng Nai chậm giải ngân vốn, chậm giải phóng mặt bằng khiến sân bay Long Thành không thể khởi công 

Châu Như Quỳnh