Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Nên giữ hay “khai tử”?

(Dân trí) - Việc có nên tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Mới đây, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định việc chi quỹ BOG đã được sử dụng linh hoạt cũng như sự cần thiết phải có quỹ này…

Bất cập trong việc chi quỹ bình ổn giá

Việc có nên tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu hay không là một chủ đề gây nhiều tranh luận. Vấn đề này lại tiếp tục “nóng” lên mới đây sau khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một loạt bất cập trong việc chi BOG tại kết luận việc điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016.

Cụ thể theo Kiểm toán Nhà nước, khi giá cơ sở tăng so với kỳ trước điều hành giá vẫn thực hiện trích quỹ và chi quỹ BOG. Như vậy với cách điều hành giá theo quy định hiện hành sẽ làm cho giá xăng dầu vẫn tăng sau khi thực hiện điều hành giá và thực tế nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn còn tồn quỹ BOG với giá trị lớn sau khi điều chỉnh tăng giá.

Liên quan đến loại quỹ này, đã có rất nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, cần “khai tử” vì việc sử dụng còn chưa hợp lý, thiếu bình đẳng, minh bạch.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Nên giữ hay “khai tử”? - 1

Tại cuộc họp gần đây của Bộ Công Thương liên quan tới việc sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cho thấy nhiều ý kiến mong muốn loại bỏ BOG khỏi công thức tính giá cơ sở.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, quỹ BOG xăng dầu nói là lập ra để bình ổn giá vì người dân nhưng thực tế việc điều hành quỹ hiện không có đại diện người dân nào cả. Người dân không biết việc điều hành quỹ hiện ra làm sao, việc công khai minh bạch như thế nào cả.

Một số chuyên gia đã góp ý nên loại bỏ quỹ này trong cơ cấu giá xăng bởi nó khiến giá mặt hàng này bị “bóp méo” so với giá thực. Việc điều hành theo cơ chế thị trường là tốt nhất, giá xăng dầu lên thì người tiêu dùng chịu mà giá xuống thì họ hưởng lợi.

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra kiến nghị cần phải cân đối mức chi sử dụng quỹ không nên ở mức quá cao, thời gian chi không nên kéo dài, vì điều này sẽ dẫn đến giá bán trong nước thoát ly giá thế giới.

Bộ vẫn kiên quyết giữ

Từ phía cơ quan quản lý trực tiếp đó là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vẫn khẳng định sự cần thiết của BOG. Trong văn bản gửi Thủ tướng về tình hình giá xăng dầu trong nước mới đây, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo về việc sử dụng quỹ này.

Bộ Tài chính cho biết theo quy định, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng quỹ bình ổn giá vào mục đích bình ôn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, mức sử dụng quỹ không phải một khoản cố định giống nhau với các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố và giá cơ sở kỳ liền trước đó.

Bộ này cũng khẳng định, trong năm 2017, quỹ bình ổn giá tiếp tục được sử dụng linh hoạt nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, đồng thời giảm tần suất tăng giá bán xăng dầu trong nước. Bộ cũng khẳng định việc chi này được công khai, minh bạch cũng như sự cần thiết phải có quỹ này.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết trong suốt thời gian vừa qua, với sự phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính việc điều hành quỹ này đã mang lại hiệu quả rất tốt.

Đặc biệt vào những dịp như trước Tết, nếu xăng dầu tăng theo đúng công thức 15 ngày một lần có thể sẽ gây rất nhiều biến động với những mặt hàng khác. Bên cạnh đó, rất nhiều dịp ở Việt Nam, vẫn có tâm lý nếu mặt hàng xăng dầu tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của những mặt hàng khác. Trong trường hợp đó, từ những người lao động, người tiêu thụ bình thường cho đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, việc tăng giá đột ngột sẽ có sự ảnh hưởng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng trả lời tại một cuộc họp báo: “Quỹ BOG xăng dầu sẽ tiếp tục được chúng tôi xem xét và bản thân tôi cũng không muốn có quỹ bình ổn này nữa nhưng trong thời điểm này, tôi thấy cần theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83. Với tác dụng của nó, việc giữ quỹ trong thời điểm hiện nay là phù hợp”.

Ở một khía cạnh khác, cũng có những ý kiến cho rằng việc duy trì BOG là cần thiết nhưng cần có những cơ chế quản lý một cách hợp lý, tránh việc bị lợi dụng gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Liên quan đến việc sử dụng BOG trong năm 2017, Bộ Tài chính vừa phát đi thông báo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối. Theo đó, số dư Quỹ BOG đến hết ngày 31/12/2017 là 5.105,537 tỷ đồng. Tổng số trích Quỹ BOG trong quý 4/2017 là 1.432,795 tỷ đồng.

Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý 4/2017 đạt 1.556,323 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý là 6,538 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý đạt 18 triệu đồng.

Trước đó, số dư Quỹ BOG tại thời điểm 1/1/2017 đạt 2.389,891 tỷ đồng. Số dư Quỹ BOG đến hết ngày 30/9/2017 5.222,545 tỷ đồng.

Nguyễn Khánh

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Nên giữ hay “khai tử”? - 2