“Quý bà” mỹ phẩm lộ gót chân Asin, Facebook, Google sẽ rời bỏ Việt Nam?

(Dân trí) - Trong tuần, thông tin về sự cố Khaisilk gian lận cắt mác lụa Trung Quốc giả mác Việt Nam tiếp tục được mổ xẻ các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, hai sự kiện nóng nhất lại liên quan đến vụ "quý bà" sắc đẹp buôn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và việc Facebook, Google cùng nhiều nhà điều hành mạng khác được cho là sẽ rời bỏ Việt Nam vì quy định trong Dự thảo Luật An mạng buộc họ phải đặt máy chủ ở Việt Nam.

"Quý bà" sắc đẹp buôn mỹ phẩm chục tỷ đồng không rõ xuất xứ

Trong tuần, thông tin công ty của quý bà sắc đẹp 29 tuổi Nguyễn Thu Trang bị cơ quan quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ hơn 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trị giá 11 tỷ đồng không hóa đơn, chứng từ gây rúng động dư luận và giới kinh doanh mỹ phẩm online ở Hà Nội.

“Quý bà” mỹ phẩm lộ gót chân Asin, Facebook, Google sẽ rời bỏ Việt Nam? - 1

Do tính chất sự việc có nhiều nghi vấn là hàng giả, hàng gian lận thương mại lừa đảo người tiêu dùng, quản lý thị trường của Hà Nội đã sớm chuyển vụ việc của Công ty TNHH Thiên nhiên TS.Việt Nam do bà Trang làm Giám đốc sang Phòng Cảnh sát điều tra - PC46 (Công an TP.Hà Nội) để điều tra, làm rõ.

Sau sự cố này, một loạt các thông tin quảng cáo sản phẩm của mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được phanh phui, trong đó xuất hiện nhiều diễn viên nổi tiếng, người đẹp Việt quảng cáo cho thương hiệu mỹ phẩm của quý bà nói trên.

Điều đặc biệt, người đẹp 29 tuổi sở hữu lô hàng 14.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc nói trên đang được đề cử là đại diện sắc đẹp và sự thành công của phụ nữ Việt tham gia một sự kiện hoa hậu quý bà quốc tế sắp diễn ra tại Trung Quốc.

Facebook, Google... sẽ bỏ đi nếu bị bắt đặt máy chủ tại Việt Nam?

Trong văn bản góp ý gửi Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an xây dựng, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phản ứng khá mạnh về Khoản 4 Điều 34 trong Dự thảo khi yêu cầu doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam.

“Quý bà” mỹ phẩm lộ gót chân Asin, Facebook, Google sẽ rời bỏ Việt Nam? - 2

Theo VCCI: "Quy định về việc đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam tại khoản 4 Điều 34 của Dự thảo là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam".

Về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng: Nếu các quy định trên được áp dụng, các nhà cung cấp dịch vụ như Google (gmail, Drive, Google Plus, Youtube...), Facebook, Yahoo (yahoo mail), Skype, Viber... đều sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam mới có thể được kinh doanh.

Một số nhà cung cấp dịch vụ cũng cho biết, khả năng cao là họ thà bỏ thị trường Việt Nam chứ không chấp nhận đặt máy chủ tại Việt Nam. Lúc đó Việt Nam có thể sẽ không còn Gmail, Facebook, Youtube...

Chính phủ chỉ đạo làm rõ, chuyên gia bóc mẽ báo cáo về Khaisilk

Trong tuần, thông tin về Khaisilk vẫn gây chú ý dư luận, ngày 3/11, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm.

“Quý bà” mỹ phẩm lộ gót chân Asin, Facebook, Google sẽ rời bỏ Việt Nam? - 3

Đại diện Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15/12/2017.

Một diễn biến đáng chú ý liên quan đến vụ khăn lụa Khaisilk giả nhãn mác, Tổng cục Hải quan đã công bố lượng và giá trị mặt hàng lụa nhập từ Trung Quốc về Việt Nam, trong đó giá bình quân 9 tháng đầu năm, lụa Trung Quốc chỉ có giá 30.000 đồng/chiếc. Giá bình quân lụa Trung Quốc trong 2 năm 2015 và 2016, 9 tháng đầu năm 2017 nhập về Việt Nam chỉ có giá 92.000 đồng/chiếc.

Liên hệ với mức giá cao hơn 640.000 đồng/chiếc mà Khaisilk đang bán cho khách hàng, mức giá hiện đang chênh gấp hàng chục lần.

Ở một chiều hướng khác, khi quản lý thị trường đưa ra một báo cáo "chớp nhoáng" về kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hà Nội) với thông tin biện minh của chủ cửa hàng cho sự cố cắt mác khăn lụa là do nhân viên tự ý chứ không phải công ty có chủ trương, các chuyên gia đã phản biện cho rằng báo cáo này cho thấy lực lượng quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, vô nghĩa lý với người tiêu dùng, gây mất niềm tin trong dân.

Về sự việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp phê bình Cục Quản lý thị trường và đơn vị liên quan, đồng thời ông này sau đó giao phần lớn quá trình điều tra vụ việc Khaisilk cho Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.

“Hiệu ứng domino” vỡ trận tin đồn của Khaisilk

Sau sự cố Khaisilk cắt mác gây rúng động dư luận, khá nhiều hiệu ứng, tin đồn về công ty này, trong đó có các dự án bất động sản của ông chủ Hoàng Khải tại TP.HCM lo ngại bị hiệu ứng domino vỡ trận do ảnh hưởng từ khăn lụa Trung Quốc giả lụa Việt.

Bên cạnh đó, nhiều người trên mạng đã thêu dệt câu chuyện bịa đặt về ông chủ Khaisilk bị phong tỏa tài sản, cấm đi khỏi nơi cư trú. Sự việc này hoàn toàn không phải sự thật bởi hiện quá trình điều tra về ông chủ Khaisilk đang được các cơ quan chức năng vào cuộc, chưa có bất kỳ kết luận chính thức nào được công bố.

Tuy nhiên một số DN có làm ăn với các dự án của Khaisilk như Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC - HSX mới đây cho biết, sự cố Khaisilk đã có tác động không nhỏ đến công ty này. Trong đó cổ phiếu HBC đã có 10 phiên giảm liên tiếp và được ban lãnh đạo công ty này lý giải là do 3 tin đồn về hoạt động kinh doanh, trong đó có việc bị Khaisilk "xù nợ" lên tới 2.500 tỷ đồng.

Dù tăng 14 bậc, môi trường kinh doanh Việt vẫn “chạy hụt hơi” với Thái Lan

Ngay sau khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018: Cải cách để tạo việc làm (Doing Business), trong đó Việt Nam được xếp hạng thứ 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với đánh giá triển vọng năm 2017, các chuyên gia kinh tế đã có những bình luận đa chiều.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: Nếu chỉ số môi trường kinh doanh của Việt nam tăng 14 bậc thì các nước ASEAN còn có sự tăng hạng nhanh hơn.

Cụ thể: "Thái Lan tăng 20 bậc; Indonesia tăng 19 bậc; Brunei tăng 16 bậc. Trong đó, hai năm gần đây, Indonesia và Brunei liên tục có sự tăng hạng đáng kể và với tốc độ nhanh hơn nước ta. Năm 2016, Indonesia tăng 15 bậc, Brunei tăng 25 bậc".

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Việt Nam không nên “tự mãn, rung đùi” vì thành tích bởi thứ hạng 68/190 nước thì chưa phải là mức cao lắm, để tạo đột phá thì chúng ta cần làm nhiều hơn nữa.

Hàng loạt sếp doanh nghiệp Nhà nước bị phê bình “nghiêm khắc”

Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về xử lý vi phạm của các cá nhân, tập thể các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Danh sách này chủ yếu gồm lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn và hình thức xử lý chủ yếu là: cách chức, phê bình nghiêm khắc.

“Quý bà” mỹ phẩm lộ gót chân Asin, Facebook, Google sẽ rời bỏ Việt Nam? - 4

Trong số các tập thể bị xử lý vi phạm do để doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, các dự án lớn có nguy cơ thua lỗ chủ yếu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)...

Dừng dự án sắt tại Thạch Khê, những tiếng nói đa chiều

Ngay sau khi Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ dừng dự án mỏ thắt Thạch Khê do không hiệu quả, đã có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này được đưa ra. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng đề xuất dừng dự án của Bộ KH&ĐT là cách nhìn chưa thấu đáo - ý kiến của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 3/11, trả lời câu hỏi của báo chí về đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dừng dự án sắt Thạch Khê, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ yêu cầu một số bộ, ngành khác, kể cả các cơ quan có chức năng, chuyên môn có ý kiến về việc này.

Cùng thời điểm này, một số cổ đông Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) - doanh nghiệp triển khai dự án tiếp tục có phản ứng gay gắt với đề xuất dừng dự án. Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và khai thác khoáng sản Thăng Long - Công ty tư nhân duy nhất tham gia dự án từ những ngày đầu cho rằng đề xuất dừng dự án sắt Thạch Khê “không có cơ sở pháp lý, thực tiễn, thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng ý kiến các bộ và các nhà khoa học”.

Nguyễn Tuyền
(Tổng hợp)