Kết quả kiểm tra vụ Khaisilk: “Báo cáo vô duyên, vô nghĩa với người tiêu dùng”
(Dân trí) - "Quản lý thị trường Hà Nội đưa thông tin đó ra là vô duyên. Tiếp tục tạo luồng dư luận phản đối, người ta cho báo cáo đó vô trách nhiệm, vô nghĩa với người tiêu dùng".
Đây là quan điểm của ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội khi trao đổi với phóng viên Dân Trí về kết luận của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) sau khi kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai. Theo đó, báo cáo của QLTT cho biết, chủ cửa hàng này nói rằng do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn KhaiSilk Made in Việt Nam để bán cho khách hàng.
Giữa “tâm bão” liên quan đến Khaisilk, Chi cục QLTT Hà Nội đã công bố báo cáo về vụ kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng 113 Hàng Gai của Khaisilk, báo cáo đã đưa ra một số kết quả khiến người tiêu dùng không mấy hài lòng.
Trả lời báo Dân Trí, ông Phú cho rằng: Vai trò của người tiêu dùng trong vụ việc này rất quan trọng, họ là người phát hiện ra và buộc phía doanh nghiệp (DN) là Khaisilk phải thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
Vì vậy, lúc này người ta mới hỏi vai trò của QLTT Hà Nội ở đâu và sau khi dư luận ầm ĩ lên thì mới vào cuộc kiểm tra, đưa ra một báo cáo kết quả gây nhiều hoài nghi dư luận. Người ta đặt ra câu hỏi vậy trách nhiệm của QLTT Hà Nội ở đâu, làm gì trong suốt thời gian dài như vậy để xảy ra vụ việc?
Về kết quả công bố kiểm tra cửa hàng kinh doanh của Khaisilk tại 113 Hàng Gai nơi phát sinh ra sai phạm của 60 khăn lụa do người dân tố cáo. Ông Phú cho rằng: QLTT Hà Nội không có quyền kết luận. Kết quả này chỉ là báo cáo và nó cho thấy cơ quan quản lý thị trường phải chịu trách nhiệm, phân công thị trường như nào mà để xảy ra tình trạng như này?
"Đây là bài học rất đau xót, chúng ta đang phát động hàng Việt, lụa truyền thống là quốc hồn, quốc túy của Việt Nam”, ông Phú gay gắt nói.
Ông Phú cho rằng: Kiểm tra kết quả đổ lỗi cho nhân viên? Vậy khâu kiểm soát chất lượng của Khaisilk ở đâu, tại sao ở sai ở khâu quan trọng như vậy? Tại nhân viên gì mà mấy chục năm ông Hoàng Khải không biết?
Về thực tế, báo cáo lên Bộ Công Thương, Chi cục QLTT Hà Nội và các lực lượng liên quan cho biết: "Qua kiểm tra, bà Nga - (chủ hộ kinh doanh cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai) thừa nhận hộ kinh doanh Khaisilk chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, do sơ suất trong khâu quản lý, trong dịp 20/10 vừa qua, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn vuông lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc có xuất xứ "made in China" và khâu, đính nhãn Khaisilk made in Vietnam để bán cho khác hàng"
Ông Phú cho rằng: "Điều đáng nói của sự việc bất nhất trước sau, ngay cả thông tin từ phía DN, giờ lại đến kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng. Trước đó, ông Hoàng Khải - chủ thương hiệu Khaisilk đã thú nhận hàng của mình là xuất xứ Trung Quốc, cúi đầu xin lỗi trên báo chí. Tại sao một nhân viên lại có thể làm được, đây phải là chủ trương thì họ mới dám làm chứ".
"Quản lý thị trường Hà Nội đưa thông tin đó là vô duyên. Tiếp tục tạo luồng dư luận phản đối, người ta cho báo cáo đó vô trách nhiệm, vô nghĩa lý đối với người tiêu dùng về vai trò của anh", ông Phú nói.
Ông Phú nhấn mạnh thêm: "Tôi muốn nói, hiện nay ma trận hàng hóa rất phức tạp, không chỉ vải đâu mà túi xách, lụa tơ tằm, hàng nhái, hàng giả lẫn lộn thì cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu? Vụ việc của Khaisilk phải đi đến cùng, tìm rõ nguyên cớ và phải xử lý nghiêm, có luật sư nói phải xử lý hình sự vì vi phạm này".
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): "Đứng về góc độ pháp lý, bất kể nhân viên hay có chủ trương từ cấp trên, nguyên tắc là trách nhiệm vẫn thuộc về DN, người chủ DN, chủ thương hiệu chứ không phải trách nhiệm của nhân viên".
Bởi "số tiền của người tiêu dùng mua của Khaisilk là trả về cho cửa hàng, cho Khaisilk và mua tại cửa hàng của hãng này. Người tiêu dùng không mua của cá nhân nhân viên đó, điều này bất luận dù có cá nhân bán hàng hoặc công ty bán hàng thì trách nhiệm cuối cùng vẫn là của DN", ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng: Đối với trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước, trước người tiêu dùng, ở đây thì phải là của công ty trên. Việc Quản lý thị trường phát hiện đến đâu thì người ta công bố như vậy, người tiêu dùng không tham gia nên không biết thông tin đầu vào và không biết đúng hay sai.
Về con số, ông Đức cho rằng: Nếu người tiêu dùng đã mua tại các lô hàng khác, thời điểm khác của Khaisilk nay mang hàng ra chứng minh được sản phẩm sai phạm tương tự, cộng với sản phẩm khác đang tồn kho của Khaisilk, kiểm tra hồ sơ, nhập hàng, xuất hàng.. sẽ kiểm tra được số lượng bao nhiêu hàng vi phạm.
Nguyễn Tuyền