"Quy ẩn" 8 năm, bà Đặng Thị Hoàng Yến đang giàu thêm với cổ phiếu
(Dân trí) - Sau phiên tăng trần hôm qua, cổ phiếu ITA của Tân Tạo tiếp tục tăng giá. Đồng thời, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng đang "hút" tiền đầu tư trong giai đoạn này.
Cổ phiếu ITA trên đường hướng về đỉnh cũ
Phiên giao dịch sáng nay (4/12), cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo tiếp tục tăng thêm 3,83% lên 5.690 đồng. Khớp lệnh hiện đã đạt trên 16 triệu đơn vị.
Trước đó, trong phiên 3/12, mã này đã tăng kịch trần lên 5.480 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh lên tới 32,36 triệu đơn vị.
Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng giá cổ phiếu này sẽ vượt đỉnh 6.000 đồng đã thiết lập hồi trung tuần tháng 6 vừa qua. Đây cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ ITA trong thời gian này.
Giá cổ phiếu ITA tăng giá, ngoài cổ đông và nhà đầu mã cổ phiếu này phấn khởi thì người hưởng lợi lớn nhất là bà Đặng Thị Hoàng Yến - cổ đông lớn nhất và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Tạo.
Trong 8 năm trở lại đây, bà Đặng Thị Hoàng Yến trở nên bí ẩn với truyền thông. Bà đang nắm 54,35 triệu cổ phiếu ITA (chiếm tỷ lệ 5,79% vốn điều lệ). Trong khi đó, các tổ chức liên quan đến bà Yến là Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Tạo và Đại học Tân Tạo cũng đang lần lượt năm 18,07% và 8,84% vốn điều lệ tập đoàn này.
Cổ phiếu ITA đang hưởng lợi bởi "sóng" cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Bên cạnh ITA thì sáng nay, MH3, NTC cũng tăng giá mạnh.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh - Phó Giám đốc Bộ phận Đầu tư - Savills Hà Nội, Việt Nam đang hưởng lợi để phát triển bất động sản công nghiệp về lâu dài. Theo dữ liệu của Savills Việt Nam, sức hút của bất động sản công nghiệp Việt Nam trong làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc nằm ở 2 yếu tố đáng chú ý.
Thứ nhất, Việt Nam là một trong những nước có chính sách thuế cạnh tranh nhất châu Á. Các công ty có thể hưởng lợi từ các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định và miễn tiền thuê đất. Các ưu đãi đáng chú ý bao gồm miễn 20% thuế TNDN trong 2 năm đầu tiên và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.
Thứ hai, các công ty đa quốc gia sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như đồ điện tử với áp lực trong việc cắt giảm chi phí, sẽ có xu hướng dịch sản xuất sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng địa phương.
Lạm phát tiền lương có xu hướng tăng sau khi khủng hoảng toàn cầu giảm bớt. Chi phí lao động ở Trung Quốc đã cao gấp 3 lần so với Việt Nam, việc này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất đa quốc gia xem xét chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á, nơi có chi phí lao động thấp hơn.
Cũng theo Savills Việt Nam, trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, một số nhà sản xuất đa quốc gia đã thông báo kế hoạch mở rộng, di chuyển sản xuất đến Việt Nam, điển hình như các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron, Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; Lenovo từ Hong Kong.
Một thông tin quan trọng khác cũng đang ảnh hưởng tích cực đến nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp là việc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương nghiên cứu, rà soát có điều chỉnh phù hợp nguồn cung đất khu công nghiệp.
Theo các chuyên gia của CBRE, nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp đang khan hiếm, điểm bất lợi cần phải khắc phục để đón dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, nguồn lực hiện tại chỉ đủ phục vụ các doanh nghiệp FDI trong điều kiện bình thường, nếu có làn sóng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới sẽ không đủ đáp ứng.
Cổ phiếu công ty bầu Đức "cháy hàng"
Hôm nay là phiên mà cổ phiếu "sale off" ở phiên 1/12 về đến tài khoản nhà đầu tư, nhiều mã chứng khoán trên thị trường khó tránh khỏi áp lực chốt lời T+3.
Các chỉ số theo đó rung lắc khá mạnh, song VN-Index vẫn đạt được trạng thái tăng. Tạm nghỉ phiên buổi sáng, chỉ số chính của thị trường tăng 0,82 điểm tương ứng 0,08% lên 1020,62 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index không chống lại được áp lực giảm, đánh mất 0,68 điểm tương ứng 0,45% còn 151,3 điểm. UPCoM-Index giảm 0,59 điểm tương ứng 0,86% còn 68,43 điểm.
Dưới áp lực chốt lời, trên thị trường sáng nay có 421 mã giảm giá, 42 mã giảm sàn và đang lấn át so với 331 mã tăng, 56 mã tăng trần.
Trong số những mã bị bán mạnh có VIB giảm 3,5% còn 31.250 đồng; TCH giảm 2% còn 19.650 đồng; VPB giảm 1,2% còn 27.650 đồng; VRE giảm 1,1% còn 28.100 đồng.
Bên cạnh đó, VCB cũng giảm 0,9%; BVB giảm 0,8%; GTN giảm 0,8%; HSG giảm 0,8%; LPB giảm 0,8%; MWG giảm 0,7%; VJC giảm 0,7%; VHM giảm 0,6%; MBB giảm 0,5%; TCB giảm 0,4%; VNM giảm 0,4%; HDB giảm 0,2%; VIC giảm nhẹ 0,1%...
Chiều ngược lại, SAB tăng 3,4% lên 201.600 đồng; MSN tăng 2,8% lên 85.700 đồng; CTG tăng 2,5% lên 34.650 đồng; CII tăng 2% lên 18.250 đồng; STB tăng 1,6% lên 15.900 đồng; GVR tăng 1,3% lên 19.000 đồng; GAS tăng 1,2% lên 85.500 đồng.
HVN đã hồi phục trở lại với mức tăng 1% lên 26.400 đồng; BID cũng tăng 0,8%; TPB tăng 0,5%; HBC tăng 0,4%; PLX tăng 0,4%; PNJ tăng 0,3%...
HNG tăng trần mạnh mẽ lên 14.850 đồng, không hề còn dư bán trong khi vẫn đang có dư mua giá trần. HAG cũng tăng mạnh 3,5% lên 4.700 đồng. Khớp lệnh tại HAG rất mạnh, đạt 11,44 triệu cổ phiếu.
Dòng tiền tiếp tục ồ ạt chảy vào thị trường. Chỉ trong buổi sáng nay có 6.378,62 tỷ đồng đổ vào sàn HSX, khối lượng giao dịch đạt 336,05 triệu đơn vị. HNX có 30,06 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 393,07 tỷ đồng và trên UPCoM là 25,98 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 285,63 tỷ đồng.
Diễn biến của thị trường phiên sáng nay không nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Theo chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chuỗi ngày tăng điểm trên thị trường chứng khoán với diễn biến rất tích cực và dòng tiền lan tỏa ra mọi cổ phiếu trên thị trường.
Mặc dù chưa xuất hiện những tín hiệu rủi ro trong ngắn hạn nhưng với mức độ tăng không ngừng nghỉ của thị trường, VDSC cho rằng sẽ có hiện tượng chốt lãi trong phạm vi ngắn hạn. Do vậy các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc việc bảo vệ thành quả trong thời gian vừa qua, đồng thời hạn chế giải ngân mới khi mà thị trường chưa có nhịp nghỉ ngơi thích hợp.