Quốc hội thông qua dự án Luật PPP, nhiều nội dung quan trọng

(Dân trí) - Chiều nay (18/6), Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP). Các đại biểu bấm nút biểu quyết dự án này với tỷ lệ tán thành chiếm 92,75%.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Đề cập tới thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị xem lại quy về sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên, có phù hợp với quy định về vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Giải trình về vấn đề này, theo ông Thanh: “Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 về sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên là một trong các trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP của Quốc hội và thống nhất với Luật Đầu tư công. Quy định này không mâu thuẫn với quy định tại Điều 69 về vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án”.

Quốc hội thông qua dự án Luật PPP, nhiều nội dung quan trọng - 1
ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật PPP

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề cập tới kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc cân nhắc quy định trường hợp thay đổi về thời gian thực hiện dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP vì thời gian thực hiện dự án thường có thể kéo dài thêm, quy định như dự thảo Luật sẽ phải điều chỉnh nhiều lần không cần thiết và phức tạp; nội dung quy định chưa rõ ràng, cụ thể, có thể bị lợi dụng vì mục đích riêng để nâng vốn đầu tư của Nhà nước, đề nghị bổ sung một khoản giao Chính phủ quy định chi tiết.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, sửa đổi, không quy định về việc thay đổi thời gian thực hiện thì phải điều chỉnh chủ trương đầu tư” - ông Thanh nói và nêu rõ: Khoản 1 Điều 18 đã có quy định chặt chẽ, khi tăng vốn nhà nước trong dự án PPP thì phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhằm hạn chế việc lợi dụng nâng vốn Nhà nước.

Trình tự trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP đều thực hiện theo quy định tại Điều 13 đã cụ thể và chi tiết, nên không giao Chính phủ quy định nội dung này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thông tin.

Về lựa chọn nhà đầu tư, một số ý kiến cho rằng tổ chức đấu thầu rộng rãi là hình thức cần lựa chọn để lựa chọn nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, uy tín, công tâm, minh bạch, hạn chế chỉ định thầu để bảo đảm sự khách quan.

Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà đầu tư áp dụng cho tất cả các dự án PPP; 3 hình thức khác trong lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt chỉ được thực hiện trong một số trường hợp và có điều kiện cụ thể như có không quá 3 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ mới, dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước, lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Quốc hội thông qua dự án Luật PPP, nhiều nội dung quan trọng - 2
Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức PPP

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, có ý kiến đề nghị xác định rõ hơn việc thực hiện cơ chế chia sẻ do lỗi của Nhà nước để bảo đảm tính pháp lý; đề nghị phải quy định chặt chẽ trong Luật phương thức kiểm soát doanh thu. Trường hợp thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc do những thay đổi lớn về quy hoạch thì Nhà nước phải bồi thường, đền bù cho nhà đầu tư, không phải chia sẻ theo tỷ lệ 50 % - 50%.

Có ý kiến đề nghị khi doanh thu giảm mà không phải do thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật, có thể do điều kiện khách quan, bất khả kháng thì các bên đàm phán và quy ra tỷ lệ chia sẻ phù hợp; đề nghị bổ sung tại Điều 82 quy định “đã được Kiểm toán nhà nước đánh giá kết quả tăng, giảm doanh thu” trước khi thực hiện việc chia sẻ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, trong đó có điều kiện xác định việc giảm doanh thu phải do lỗi từ phía Nhà nước, cụ thể do quy hoạch, chính sách, pháp luật thay đổi.

“Khi doanh thu giảm mà không phải do các nguyên nhân này thì không được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu. Tỷ lệ 50%-50% khi chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu thể hiện đúng bản chất chia sẻ rủi ro, bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân và bảo đảm minh bạch, rõ ràng hơn so với trường hợp thực hiện đàm phán, quy ra tỷ lệ chia sẻ doanh thu giữa các bên” - ông Thanh cho hay.

Cũng theo ông Thanh, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu hàng năm quy định tại khoản 4 Điều 82 của dự thảo Luật; xin tiếp thu, bổ sung quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 82 về việc chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng sau khi được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần tăng, giảm doanh thu.

Châu Như Quỳnh