Quảng cáo hàng hiệu nghi giả tinh vi trên Facebook, làm sao tránh bẫy?
(Dân trí) - Không ít sản phẩm nghi giả mạo các thương hiệu nổi tiếng được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Người tiêu dùng nên làm gì để nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn tinh vi này?
Giả mà như thật
Chị Ngọc Linh (Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên mua sắm trên mạng xã hội và trong một lần lướt Facebook, chị tình cờ nhấp vào đường dẫn giới thiệu bán mỹ phẩm Kiehl's. Thấy website có biểu tượng "đã thông báo Bộ Công Thương", chị tin tưởng đây là sản phẩm chính hãng. Hơn nữa, sản phẩm được giảm giá đến 45% nên chị quyết định đặt mua mà không ngần ngại.
Khi nhận hàng, chị kiểm tra và thấy bao bì giống hệt các sản phẩm Kiehl's chị hay sử dụng nên đã thanh toán ngay. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, chị phát hiện chất lượng không giống với những sản phẩm Kiehl's chính hãng trước đây.
Đáng chú ý, 2 website liên quan đến mỹ phẩm Kiehl's có giao diện rất giống nhau. Một trang là website chính hãng với đuôi com.vn, còn trang kia có đuôi là net.vn.
Dù vậy, từ giao diện, nội dung giới thiệu sản phẩm, hình ảnh đến tên nhà cung cấp, chính sách bán hàng, thậm chí cả biểu tượng "đã thông báo Bộ Công Thương" ở cuối website, tất cả đều được "nhái" một cách tinh vi.
Tương tự, gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện quảng cáo về chương trình giảm giá lớn từ Chanel Hàn Quốc với thông tin rằng thương hiệu này đang rút khỏi Việt Nam. Quảng cáo tuyên bố nguyên nhân là "tình hình bất ổn tại Hàn Quốc", "chi phí vận hành vượt tầm kiểm soát" hay "chiến lược toàn cầu thay đổi".
Đồng thời, bài đăng này cũng giới thiệu ưu đãi giảm giá lên tới 70% cho các dòng nước hoa cao cấp như Chanel Coco. Quảng cáo cũng cam kết chính hãng 100%, nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ và được phân phối bởi Chanel Hàn Quốc và được áp dụng cho đến khi hết hàng tồn kho.
Các đường link đính kèm dẫn đến một website có giao diện bắt mắt, hiển thị logo "đã thông báo Bộ Công Thương", tạo cảm giác tin tưởng rằng đây là website chính hãng.
Những sản phẩm được quảng cáo giảm giá từ 3,65 triệu đồng chỉ còn 699.000 đồng, đi kèm thông điệp "cơ hội chỉ có trong hôm nay" và đếm ngược thời gian "chỉ còn 2 giờ". Phần dưới quảng cáo còn hiển thị các bình luận giả mạo của người mua khen hết lời về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nhằm tạo sự tin tưởng và kích thích người tiêu dùng đặt hàng nhanh chóng.
Tuy nhiên, website này không giống với trang chính thức của Chanel. Giao diện, nội dung sản phẩm, chính sách bán hàng và cả biểu tượng "đã thông báo Bộ Công Thương" đều được thiết kế tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần làm gì để nâng cao cảnh giác?
Lợi dụng thời điểm cuối năm có nhiều dịp lễ cùng hàng loạt các sự kiện giảm giá, ưu đãi lớn cuối năm, các đối tượng lừa đảo đã tung ra những chiêu trò khiến nhiều người sập bẫy. Đối tượng xấu thường sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân qua các email, tin nhắn khuyến mại giả mạo từ các sàn thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki...
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng tính năng phân tích thói quen người dùng của các nền tảng mạng xã hội, đối tượng tạo các trang fanpage giả mạo hoặc website giả mạo giống hệt với trang chính thống của các thương hiệu lớn để tiếp cận nạn nhân qua quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang quan tâm.
Trước đó, Meta cũng đã đưa ra cảnh báo đối với chiêu trò lừa đảo mua sắm trực tuyến trên các mạng xã hội như Threads, X, Facebook và các diễn đàn trực tuyến như Quora. Theo cảnh báo, kẻ lừa đảo thường đưa ra các chương trình ưu đãi bằng cách sử dụng các video trên với lồng tiếng bằng trí tuệ nhân tạo để mô tả sản phẩm và khuyến cáo số lượng có hạn.
Trả lời tại phiên chất vấn hồi tháng 8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong nền kinh tế thị trường, việc phòng chống gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trốn thuế là công việc vô cùng quan trọng, đồng thời là thách thức lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng cũng nêu nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả đề án chống hàng giả, hàng nhái, đồng thời làm tốt hơn cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin với các bộ ngành liên quan để quản lý.
Trước tình hình lừa đảo trên mạng có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó người dân cần xác minh danh tính, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Người dùng nên nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng.
Người dùng không nên tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận nhận được mà không tốn sức lao động.
Đặc biệt người dùng không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính.
Người dân cũng không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng.
iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.
iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...