1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Làm gì khi mua phải hàng giả, hàng nhái trên Shopee, Lazada, TikTok Shop?

Minh Huyền
iMoney

(Dân trí) - Sau khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử nhưng phát hiện sản phẩm được giao là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, khách hàng có thể khiếu nại để được hoàn tiền.

Hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki... đang được quảng cáo, bán tràn lan, công khai bằng mức giá rẻ khó tin.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết năm 2023, đơn vị này đã xử lý 764 vụ việc vi phạm đối với lĩnh vực thương mại điện tử, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quản lý Nhà nước về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

"Ma trận" hàng giả, hàng nhái

Thực tế, dù cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý hàng loạt trường hợp bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu giảm bớt.

Khảo sát trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop, Shopee cho thấy, không ít chủ cửa hàng bán túi xách của loạt thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton, Gucci... nhưng với giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, khách áp mã giảm giá còn được sở hữu túi hàng hiệu với mức giá không thể rẻ hơn và miễn phí giao hàng.

Ngược lại, nhiều chủ shop lại bán hàng giả, hàng nhái một cách tinh vi hơn bằng cách livestream quảng cáo là hàng hiệu giá cao tới hàng chục triệu đồng. "Váy len Gucci giá hơn 33 triệu đồng nhưng mua của cửa hàng sẽ được giảm giá vài triệu đồng", đây là lời quảng cáo của chủ shop thời trang tại quận Hà Đông (Hà Nội) trong một phiên livestream bán hàng.

Tuy nhiên, ngày 22/4/2023, khi Đội QLTT số 11 thuộc Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra bất ngờ thì nguồn gốc số "hàng hiệu" trên lại được chủ cửa hàng thừa nhận là hàng trôi nổi.

Không chỉ vậy, những con số 6-7 triệu đồng hay tới 30 triệu đồng cho mỗi sản phẩm thuộc thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Gucci, Zara... cũng đều do chủ cửa hàng này tự định giá.

Làm gì khi mua phải hàng giả, hàng nhái trên Shopee, Lazada, TikTok Shop? - 1

Khó phân biệt được sản phẩm thật và giả được rao bán trên các sàn thương mại điện tử (Ảnh: RBK).

Minh Anh (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ từng một lần mua phải mỹ phẩm là kem dưỡng giả trên sàn thương mại điện tử Shopee. "Trước khi mua hàng tôi đã đọc các bình luận của người từng mua nên yên tâm mua, nhưng không ngờ khi nhận và so sánh với sản phẩm cũ thì có nhiều điểm khác, chất kem cũng lỏng hơn", chị nói.

Sau khi phát hiện kem dưỡng mình mua là hàng giả mạo, Minh Anh liền nhắn tin nhiều lần cho chủ shop để giải quyết tuy nhiên cô không nhận được phản hồi. Kiểm tra lại các bình luận của người mua về sản phẩm thì mới nhận ra đều cùng mô típ và đăng trong cùng một ngày.

Nên làm gì khi phát hiện hàng giả, hàng nhái?

Vậy những cách nào để giúp người mua hàng lấy lại tiền sau khi mua phải hàng giả, hàng nhái?

- Bước 1: Giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán và yêu cầu đổi hàng, hoàn trả tiền hoặc bồi thường.

- Bước 2: Vào đơn hàng vừa mua bấm vào yêu cầu trả hàng hoàn tiền.

- Bước 3: Yêu cầu trả hàng hoặc hoàn tiền với lý do nghi ngờ hàng giả, hàng nhái sau đó thêm hình ảnh thực tế về tình trạng hàng hóa, ý kiến về món hàng nhận được của người mua.

Ảnh hoặc video phải rõ nét cho thấy logo thương hiệu chứng minh sản phẩm không phải sản phẩm thật cùng với ảnh chụp màn hình của sản phẩm thực từ trang web chính thức (logo thương hiệu, ảnh). Bằng chứng bằng hình ảnh hoặc video càng chi tiết, rõ ràng thì khả năng được hoàn lại tiền của người mua càng lớn.

Làm gì khi mua phải hàng giả, hàng nhái trên Shopee, Lazada, TikTok Shop? - 2

Một shop online cố tình hứa hẹn xử lý khi khách hàng phản hồi về hàng hóa, đến khi quá thời hạn xử lý theo quy định của sàn thì việc khiếu nại đã muộn (Ảnh: Minh Anh).

- Bước 4: Sau khi thực hiện, nền tảng sẽ gửi yêu cầu đến người bán và yêu cầu họ cung cấp bằng chứng hàng chính hãng. Nếu không cung cấp được thì nền tảng sẽ hoàn lại tiền cho bạn. Đồng thời, người bán cũng sẽ bị xóa sản phẩm, thậm chí là đóng băng tài khoản nếu số lượng hàng giả hoặc hàng nhái đã bán có số lượng đã bán cao.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể thông báo, làm đơn tố giác đến cơ quan Quản lý thị trường hoặc cơ quan công an nơi bên bán có trụ sở, cửa hàng, kho hàng...

Để có cơ sở giải quyết, người tiêu dùng cần cung cấp cho cơ quan điều tra chứng từ, hóa đơn mua hàng, hình ảnh hàng nhận được và hàng chính hãng, tin nhắn, điện thoại trao đổi giữa hai bên, chứng từ chuyển tiền hoặc xác nhận chuyển tiền của ngân hàng (nếu bạn thanh toán online) và các tài liệu, chứng cứ khác, nếu có.

Hiện, Tổng cục QLTT cũng công khai đường dây nóng hoạt động 24/7 là 1900.888.655 tiếp nhận các thông tin tố giác tiêu cực về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.

iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...