1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Quản lý lỏng lẻo 1,3 triệu tỷ đồng tiền DNNN đi vay?

(Dân trí) - Thứ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông so sánh, trong khi Quốc hội, Chính phủ vất vả loay hoay, quản chặt 173 nghìn tỷ đồng tiền vay đầu tư phát triển, thì 1,3 triệu tỷ đồng tiền DNNN đi vay lại được quản lý rất lỏng lẻo.

Chiều 17/4, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Nói về sự cần thiết ban hành luật, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu thực tế, việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các doanh nghiệp (DN) giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, không rõ phạm vi; dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm...

Chính phủ nhận định, ở thời điểm hiện nay, pháp luật về quản lý Nhà nước nói chung và quản lý hoạt động tài chính doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng đang gồm nhiều nghị định, quyết định và chưa có một cơ sở luật để điều chỉnh. Để bảo đảm đồng bộ pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN là cần thiết.
 
Quản lý lỏng lẻo 1,3 triệu tỷ đồng tiền DNNN đi vay?
Thứ trưởng KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết, ngoài 1,1 triệu tỷ đồng tiền vốn nhà nước rót vào DNNN, khối DN này còn vay thêm 1,3 triệu tỷ đồng.

Dự thảo luật đưa ra nguyên tắc, Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; thực hiện quyền, trách nhiệm trong việc đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Chính phủ phân công, phân cấp cho Thủ tướng, cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác. Chính phủ giao Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN.

Nhận xét về dự thảo luật, cơ quan thẩm tra (UB Kinh tế của Quốc hội) chưa hài lòng cho rằng, cơ quan soạn thảo mới chủ yếu đề cập đến loại hình DN hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa đề cập đến các DN hoạt động công ích. Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị bổ sung quy định đối với loại DN công ích theo hướng, chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của doanh nghiệp phải được đổi mới và thay thế bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, được hạch toán theo cơ chế thị trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu của các cấp đối với tài sản của nhà nước tại các DN. Theo ông Lưu, thực tế, hiện đang có quá nhiều chủ thể tham gia việc quản lý vốn nhà nước tại DN, từ cấp Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng đến UBND các cấp, hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc...

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng yêu cầu làm rõ ai quyết định và chịu trách nhiệm về nhân sự, vốn, đầu tư, phân phối.

Ông Hiển đề nghị một nguyên tắc giới hạn lại phạm vi vốn đầu tư của nhà nước vào DN là chỉ hoạt động kinh doanh, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu mà những thành phần kinh tế khác không tham gia. “Việc gì tư nhân làm được thì để họ làm” - ông Hiển khuyến cáo.

Tán thành chủ trương này, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng cơ quan soạn thảo luật phải trả lời câu hỏi, tại sao cùng lĩnh vực mà đầu tư của nhà nước lâu nay hiệu quả chưa cao bằng của tư nhân.

Quán triệt tinh thần này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định chủ trương khoanh lại phạm vi DNNN để chỉ tham gia làm ở phần việc dịch vụ công hay hàng hóa công mà ở đó khu vực tư nhân không tham gia. Dự thảo luật đã khẳng định, nhà nước không đầu tư vốn vào những ngành mà khu vực tư nhân có đủ khả năng thực hiện.

Nói thêm về hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNN, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng cần đánh giá trên cơ sở nguồn vốn. Hiện tại cơ quan quản lý vẫn không thể làm rõ được DNNN làm ăn có hiệu quả hay không vì phép tính cần làm trên cơ sở tính giá trị vốn được giao cộng với lãi suất trái phiếu Chính phủ dài hạn.

Phần ông Đông lo ngại nhất,  ngoài vốn chủ sở hữu của Nhà nước  1,1 triệu tỷ đồng trong DNNN, phần vốn vay của khu vực doanh nghiệp này lên tới 1,3 triệu tỷ đồng. Mà nguyên tắc, khoản vay 1,3 triệu tỷ đồng này, nếu đổ bể, Nhà nước chính là người phải trả.

Nghịch lý Thứ trưởng KH-ĐT chỉ ra là, trong khi Quốc hội, Chính phủ vất vả loay hoay, quản chặt 173 nghìn tỷ đồng tiền vay đầu tư phát triển, thì 1,3 triệu tỷ đồng tiền DNNN đi vay này được quản lý rất lỏng lẻo.

P.Thảo
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước