1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quản lý hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT: Cần cơ quan quản lý đồng hành

(Dân trí) - Quản lý chất lượng hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử vốn là bài toán đau đầu, cần phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng bao gồm cả hải quan, quản lý thị trường cho đến các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.

Quản lý hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT: Cần cơ quan quản lý đồng hành - 1

Chợ điện tử để “lọt” hàng giả, hàng nhái

Thời gian gần đây, truyền thông đưa tin về tình trạng hàng loạt các chợ thương mại điện tử "có tiếng" có bán hàng giả, hàng nhái. Nhiều người bán không ngại ngần thừa nhận sản phẩm hàng nhái fake 1, fake 2 các thương hiệu cao cấp có tiếng trên thị trường với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.

Đây không phải là câu chuyện mới của thương mại điện tử nói riêng và ngành thương mại nói chung. Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thời gian gần đây, có nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Có một điều thực tế là hàng giả, hàng nhái từ lâu đã là bài toán nan giải với cả kinh doanh offline (tại các chợ và cửa hàng) hay online.

Dĩ nhiên, có điều khác biệt là ở chợ việc quản lý chất lượng hàng hoá, cũng như cá nhân hay hộ kinh doanh bày bán sản phẩm chất lượng như thế nào sẽ khó hơn. Trong khi đó, khi đưa lên online bài toán này đã được giải quyết phần nào.

Theo đó, việc quản lý các cá nhân hay doanh nghiệp bày bán hàng hoá trở nên dễ dàng hơn khi tất cả đều phải đăng ký với những đơn vị chủ sở hữu sàn TMĐT và doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT đều kiểm soát được những shop online này.

Song để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử cũng không hề đơn giản.

Thực tế các doanh nghiệp đang làm sàn TMĐT hiện nay như Shopee, Lazada, Sendo… khi cho doanh nghiệp bày bán trên này đều có những quy định rất cụ thể về mặt hàng sẽ kinh doanh, trong đó có quy định rõ về việc kinh doanh hàng giả hàng nhái và khi có vi phạm doanh nghiệp đều bị gỡ bỏ ra khỏi hệ thống.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chia sẻ, điều khó khăn là doanh nghiệp ở đây chỉ là người quản lý chợ, chỉ quản lý về mặt hàng bày bán không vi phạm quy định, còn để phân biệt được đâu là hàng giả, hàng nhái thực tế hiện nay trong nhiều trường hợp vô cùng khó khăn, cần có nghiệp vụ hay chuyên môn thực tế.

Một mình doanh nghiệp khó giải quyết “tận gốc”

Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hay nói cách khác, về nguyên tắc, sản phẩm do ai bán ra thì người đó phải chịu trách nhiệm, vì vậy, các chủ của gian hàng sẽ là người chịu trách nhiệm chính với gian hàng của mình. Khi có phản ảnh về hành vi buôn bán hàng trái quy định, chủ sở hữu của sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm gỡ bỏ sản phẩm nếu không có thể bị cơ quan chức năng xử phạt.

Chính vì thế, để quản lý được hàng giả và hàng nhái, giới chuyên môn cho rằng, cần phải có cả sự phối hợp của các cơ quan chức năng.

Trước đó, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái cách đây vài tháng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế sâu rộng, dự báo nạn hàng giả sẽ diễn biến phức tạp, mang yếu tố nước ngoài, đòi hỏi lực lượng chức năng phải nỗ lực hơn nữa trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Phó Thủ tướng, lực lượng quản lý thị trường không chỉ kiểm soát kênh bán hàng truyền thống mà phải giám sát kênh thương mại điện tử. Lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra hàng hóa tại khu vực biên giới, ngăn chặn nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ. Tại các địa bàn dân cư, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm cơ sở sản xuất kinh doanh, phân phối, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, xâm hại quyền sơ hữu trí tuệ.

Trao đổi với báo chí ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận, quản lý chất lượng hàng hóa bán trên các sàn TMĐT là bài toán đau đầu, cần phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hiện nay phải nhìn thẳng vào sự thật là tình trạng quản lý còn có dấu hiệu quá buông lỏng, bộc lộ nhiều yếu kém.

Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng cho biết, để ngăn chặn tình trạng hàng giả hàng nhái trên các sàn TMĐT, trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Hải quan, cũng như cơ quan Quản lý thị trường, công an để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng này.

P.Dung

Quản lý hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT: Cần cơ quan quản lý đồng hành - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm