Quái chiêu đòi nợ doanh nghiệp

Thời gian gần đây, trong lúc kinh tế khó khăn, xã hội lại xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bêu riếu“quái chiêu” nhằm vào các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp “kinh doanh bằng chữ tín” như bất động sản, ngân hàng.

Năm 2002, chủ nhân của chiếc một Piaggio X9 ở TP HCM đã nghĩ ra một “kế độc” vì cho rằng chiếc xe mình mua chất lượng tồi. Anh này đã tự cắt dán lên xe những câu thơ, những dòng chữ như “Bạn sẽ hối hận nếu mua X9”. Anh đã “mang uất ức đi khắp nơi”, thậm chí đậu chiếc xe đầy khẩu hiệu này trước cửa một đại lý của hãng Piaggio khiến chủ cửa hàng phải gọi cảnh sát 113 xuống để trục xuất anh cùng chiếc xe tai tiếng.
Vụ chiếc X9 được giới kinh doanh ghi nhận là vụ đầu tiên khách hàng dùng “chiêu” bêu xấu để đạt mục đích của mình. Nghe nói,mục đích của khách hàng nọ là đòi được thay miễn phí 19 món phụ tùng cho chiếc Piaggio của anh.
 
Rõ ràng đây là “chiêu độc” bởi một thời gian sau, hãng xe Ford “một ngày đẹp trời” đã mất uy tín nặng ở Việt Nam khi chủ nhân một chiếc xe của hãng này thuê người đẩy chiếc xe bị tai nạn mà túi khí không bung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Rồng rắn sau chiếc xe là báo chí và người hiếu kỳ, cảnh hoạt náo này trở thành một sự kiện nóng lúc bấy giờ và hãng Ford từ đó tụt dốc thảm hại về doanh số ở thị trường Việt Nam.
 
Thực tế thì những vấn đề với chiếc xe Piaggio hay ô tô Ford kia lẽ ra cần giải quyết theo trình tự, thủ tục bảo hành, bảo trì, bảo hiểm..
 
“Bổn cũ soạn lại”, thời gian gần đây, trong lúc kinh tế khó khăn, xã hội lại xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bêu riếu“quái chiêu” nhằm vào các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp “kinh doanh bằng chữ tín” như bất động sản, ngân hàng.
 
Quái chiêu đòi nợ doanh nghiệp
Một cảnh biểu tinh về việc thu phí của căn hộ cao cấp ở Hà Nội  

Chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội mới đây bị một nhóm người xưng danh là khách hàng mang băng rôn, biểu ngữ bao vây trước cửa. Nhóm người này còn chặn xe máy đi trên đường và người đi bộ tham gia giao thông để phát cho họ những bài báo trên đó có viết về vụ việc dẫn tới vụ biểu tình này.
 
Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng bị hàng trăm người mang băng rôn, biểu ngữ giăng la liệt phía trước trụ sở chính tại đường Nguyễn Cơ Thạch để đòi nợ. Họ đã mang cả đồ ăn, thức uống với quyết tâm cố thủ tại đây cho đến khi ngân hàng này phải “hiệp thương” được với họ về phương án trả tiền. Vô hình chung các “chủ nợ” và có khả năng cả các phần tử tiêu cực trà trộn đã biến thành tổ chức gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng tới an toàn, an ninh tiền tệ.
 
Quái chiêu đòi nợ doanh nghiệp
Cảnh giăng băng rôn biểu tình trước hội sở Agribank  

Có doanh nghiệp bị đối tác gửi thư thông báo có khoản nợ khó đòi tới tất cả các đối tác làm ăn.
 
Có công ty bị dán băng rôn đòi nợ trên xe đậu trước cả công ty nhiều ngày liền.
 
Ghê gớm hơn, một số kẻ khi trước là bạn hàng, khi sau hành xử kiểu giang hồ, gửi vòng hoa đến gia đình lãnh đạo công ty hoặc tới công ty, bắt cóc xiết nợ, thậm chí “không đòi được nợ thì…bắn.
 
Người xưa có câu “mất trâu thì lại tậu trâu, những quân cướp nợ có giàu hơn ai”. Việc sử dụng các biện pháp thu hồi nợ không tuân thủ quy định pháp luật, thậm chí sử dụng các biện pháp tiêu cực để đòi nợ bất chất pháp luật và đạo đức xã hội có thể gây hại cho chính chủ nợ, biến họ từ chủ nợ thành tội phạm.
 
Thực tế đã có những “chủ nợ” phải ra trước vành móng ngựa và lĩnh án tù vì hành vi tội phạm mà mình gây ra.
 
Xã hội không nên cổ súy cho những doanh nghiệp, cá nhân dưới danh nghĩa “người bị thiệt hại” dùng đủ mọi chiêu trò, thậm chí là vi phạm pháp luật để đạt được mục đích của mình. Pháp luật phải được thượng tôn và cách hành xử theo kiểu giang hồ, làm tổn hại văn hóa và đạo đức xã hội cần sớm bị ngăn chặn, loại trừ.
 
Theo Vietnamnet