1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Quá thiếu nhân lực nghiệm thu dự án điện mặt trời, EVN tái ký hợp đồng với cán bộ nghỉ hưu!

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí ngày 17/5, đại diện EVN cho biết, do áp lực đẩy nhanh các dự án điện mặt trời, thiếu hụt nguồn nhân lực nghiệm thu các dự án, EVN phải tái ký với nhiều cán bộ đã nghỉ hưu; gọi nhân sự đang đi học nước ngoài về nước tăng cường.

Khó khăn trong đóng điện và vận hành điện mặt trời

Theo báo cáo từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), dự kiến trong tháng 5-6, phụ tải thậm chí còn tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, do ảnh hưởng của Elnino, dự báo nước về trong 2 - 3 tháng tới tiếp tục giảm tại các khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các tháng còn lại, lưu lượng nước về tần suất chỉ khoảng 70%; khả năng cung cấp than/khí cũng không đảm bảo nhu cầu huy động...

Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), ông Vũ Xuân Khu cho biết, nhiều hồ không có khả năng đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du: các hồ đạt tần suất 65%, không đủ cung cấp nước hạ du đến cuối mùa khô như Hàm Thuận, A Vương, Đăk My 4A, Buôn Tua Srah, Đồng Nai 2...”

Đứng trước những khó khăn đó, việc các nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động cũng bổ sung phần nào thiếu hụt về điện cho miền Nam và miền Trung.

Quá thiếu nhân lực nghiệm thu dự án điện mặt trời, EVN tái ký hợp đồng với cán bộ nghỉ hưu! - 1

Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia thì, để vận hành được điện mặt trời thì phải có rất nhiều thay đổi. Trong đó, EVN đã phải chuẩn bị mất 3 năm thuê tư vấn nước ngoài và tính toán, mới có thể triển khai việc đóng điện và vận hành. Bên cạnh đó, EVN cũng phải đề xuất với Bộ Công Thương phải sửa toàn bộ 5 quyết định về vận hành hệ thống điện và vận hành thị trường điện.

“Các thông tư của Bộ Công Thương hiện nay mới chỉ phục vụ cho đóng điện các công trình truyền thống. Để kịp tiến độ cho các dự án điện mặt trời hoàn thành trước 30/6, các hồ sơ thủ tục phải rút ngắn thời gian rất nhiều. Cung cấp hồ sơ trước đây mất 2 - 3 tháng, thì nay phải rút xuống 45 ngày. Thời gian giải quyết các công việc của điều độ 20 ngày thì rút xuống 15 ngày và đăng kí đóng điện rút từ 10 ngày về còn 2 ngày”, đại diện Trung tâm cho biết thêm.

Cũng theo đại diện EVN, trên thực tế, các quy định này vẫn chưa được phê duyệt đầy đủ và thậm chí còn đang đi chậm hơn 1 “pha” so với tình hình thực tế.

Mới đây, ngày 23/4, ban lãnh đạo EVN mới có cuộc họp với gần 100 nhà đầu tư bàn về công việc đóng điện của các nhà máy điện mặt trời. Tại thời điểm đó, trên hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất nhỏ hơn 150 MW. Từ thời điểm đó đến nay, con số đã lên tới 27 nhà máy, tổng công suất đã tăng lên 1400 - 1500 MW.

Mức tăng đó đã được xem là kỷ lục, thế nhưng, con số 27 nhà máy này mới chỉ đạt 30% trên tổng số 88 nhà máy điện mặt trời phải hoàn thành trước ngày 30/6.

Quá thiếu nhân lực nghiệm thu dự án điện mặt trời, EVN tái ký hợp đồng với cán bộ nghỉ hưu! - 2

Tại trung tâm A0

Áp lực này đã khiến không chỉ A0, ngay cả các điều độ miền như A2 và A3 cũng phải chịu áp lực rất lớn. Theo thống kê, tính riêng năm 2018, số trạm A2 phải đóng chỉ là 21, A3 đóng 15 trạm. Nhưng tổng khối lượng trạm cho các nhà máy mặt trời của A2 đã là 90 trạm, A3 là gần 30 trạm.

Khối lượng công việc phục vụ cho các nhà máy điện mặt trời cho 3 tháng của năm 2019 là thách thức rất lớn với toàn bộ EVN.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết: “Ngay cả việc liên lạc với các nhà máy điện cũng đã phải thành lập tới 300 nhóm trên mạng xã hội, riêng mỗi nhà máy đã phải có riêng 5 nhóm. Việc này khiến khối lượng tin nhắn phải trao đổi hàng ngày lên tới gần 6.000 tin nhắn liên tục tới 12 giờ đêm.”

“Không đủ nhân lực để phục vụ, chúng tôi còn phải triển khai việc tăng ca, thực hiện 3 ca 5 kíp không ngày nghỉ. Không chỉ vậy, EVN đã phải điều chuyển người từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Thậm chí, tập đoàn điện lực điện lực còn phải kí lại hợp đồng với các cán bộ đã nghỉ hưu, hoặc các nhân sự đi học ở nước ngoài đang nghỉ cũng được kéo về để tăng cường”, ông Ninh cho biết thêm.

EVN tính phương án giảm năng lượng mặt trời?

Chia sẻ với về điện mặt trời, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Trong năm nay, công suất điện mặt trời vào sẽ khoảng 2.500 - 3.000 MW trong tháng 6. Nhưng khả năng giải toả lại rất thấp, ngay cả trong điều kiện thuận lợi cũng chỉ khoảng hơn 1.000 MW (chiếm 50%), chứ chưa nói tới sự cố hoặc cắt điện để đấu nối. Tình trạng quá tải này còn phải duy trì trong khoảng 3 - 5 năm nữa.”

Quá thiếu nhân lực nghiệm thu dự án điện mặt trời, EVN tái ký hợp đồng với cán bộ nghỉ hưu! - 3

Đây là một trong số ít những biểu đồ ổn định của một nhà máy điện mặt trời. Tuy nhiên, tại một số nhà máy khác, chỉ cần một cơn dông thôi cũng có thể khiến công suất từ 650 MW về còn hơn 200 MW.

“Hơn nữa, công suất phát của điện mặt trời rất bất định. Với các nguồn truyền thống, sản lượng nhiều thì có thể điều khiển được. Nhưng mặt trời thì không điều khiến được và công suất thay đổi liên tục, không ngày nào giống ngày nào”, ông Hải nói.

Hiện nay, nhiều người cho rằng, năng lượng mặt trời sẽ bù được vào giờ cao điểm nắng nóng khi phụ tải tăng, nhưng theo ông Ninh thì, thực tế không hẳn như vậy. Bởi trong quá trình theo dõi, khi phụ tải xuống, nguồn năng lượng tái tạo mới tăng lên, chứ không cùng tăng như kì vọng.

Không những thế, theo ông Ninh: “Đó là chưa kể tới việc, nếu việc đưa năng lượng tái tạo vào thì bắt đầu từ tuần sau, chúng tôi phải giữ công suất dự phòng cho điện miền Nam và miền Trung.”

“Thế nhưng, tuần trước, khi chúng tôi chạy tất cả nguồn dầu cũng không đủ dự phòng cho miền Nam. Chi phí dầu để chạy nguồn dự phòng cũng rất lớn, thậm chí lên tới vài trăm tỷ đồng”, ông Ninh nói.

Quá thiếu nhân lực nghiệm thu dự án điện mặt trời, EVN tái ký hợp đồng với cán bộ nghỉ hưu! - 4

EVN đang tính cơ chế giảm các nguồn năng lượng tái tạo

Với hàng loạt những khó khăn như vậy, trong thời gian tới, EVN đang phải đề xuất sửa đổi nhiều cơ chế để đáp ứng yêu cầu mới. Trong đó, có cả cơ chế giảm các nguồn năng lượng tái tạo ở trong và ngoài thị trường.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm