PVN và ExxonMobil đạt thỏa thuận khung về "siêu dự án" khí lớn nhất Việt Nam

(Dân trí) - Dự án khí Cá Voi Xanh là dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho tới nay, được phát hiện và được tuyên bố thương mại vào tháng 8/2015. Tổng đầu tư chuỗi dự án khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ USD.

Lễ ký Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh. Ảnh: VGP
Lễ ký Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh. Ảnh: VGP

Ngày 13/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự lễ ký Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) - thuộc PVN và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam (ExxonMobil).

Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của PVN và ExxonMobil trong việc đạt được những kết quả ban đầu thời gian qua, kể từ hợp đồng chia sản phẩm dầu khí được ký năm 2009 và hoàn tất Thỏa thuận khung nói trên.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ và các bộ sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sớm đạt được thỏa thuận khung về hợp đồng mua bán điện và xác định chủ đầu tư các nhà máy điện đặt tại khu kinh tế Dung Quất, cũng như xem xét để có cơ chế hợp lý đối với đầu tư nhà máy điện sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh để bảo đảm phát triển đồng bộ chuỗi dự án.

Chính phủ, các bộ cũng sẽ chỉ đạo sát sao để việc xây dựng các nhà máy điện bảo đảm đúng tiến độ, phù hợp với tiến độ khai thác của dự án Cá Voi Xanh.

Phó Thủ tướng đề nghị nhà điều hành ExxonMobil và PVN tiếp tục nỗ lực để đạt được dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023, bảo đảm sự thành công của mỏ khí Cá Voi Xanh.

Dự án khí Cá Voi Xanh là dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho tới nay, được phát hiện và được tuyên bố thương mại vào tháng 8/2015.

Sau một quá trình đàm phán, PVN, PVEP và ExxonMobil đã thống nhất ký Thỏa thuận khung Phát triển Dự án và Thỏa thuận khung Hợp đồng Bán khí Cá Voi Xanh. Việc ký kết hai Thỏa thuận khung này có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở để nhà thầu triển khai tối ưu hóa thiết kế sơ bộ và thiết kế tổng thể dự án nhằm triển khai dự án với mục tiêu đạt dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023.

Trong giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của dự án sẽ đủ cung cấp khí cho bốn nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW (2 nhà máy đặt tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và 2 nhà máy đặt tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi).

Sản lượng khai thác trong giai đoạn mở rộng sẽ cung cấp khí cho hóa dầu, hoặc nhà máy điện thứ 5 với công suất khoảng 750 MW như trong Tổng Quy hoạch Điện 7 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng đầu tư chuỗi dự án khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ USD.

Bích Diệp (ghi)