PVFC hợp nhất Western Bank: Sở hữu của PVN giảm 26%

(Dân trí) - Nếu sáp nhập thành công, sở hữu của PVN sẽ giảm mạnh từ 78% tại PVFC xuống còn 52% tại ngân hàng hợp nhất. Ngoài ra, cổ phiếu PVF cũng sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán HSX.

Sau nhiều lần thông tin rò rỉ, Công ty tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC - mã PVF) cuối cùng cũng đã công bố Đề án hợp nhất với Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) cho cổ đông. Đây cũng là bước đi có tính chất để PVFC có thể chuyển đổi sang mô hình của ngân hàng thương mại từ một tổ chức tài chính.

Theo nhìn nhận của PVFC, mô hình công ty tài chính hiện nay đã không còn phù hợp cho việc phát triển năng động và cạnh tranh hiệu quả. Và đề án hợp nhất này cũng đã được Thủ tướng thông qua về mặt chủ trương.

PVFC hợp nhất Western Bank: Sở hữu của PVN giảm hơn 30%

Việc hợp nhất về cơ bản sẽ giúp giải quyết về cơ bản các điểm yếu của hai tổ chức tín dụng trước hợp nhất. Cụ thể, sau hợp nhất, ngân hàng mới sẽ có cơ hội thực hiện đầy đủ các giao dịch huy động vốn, dịch vụ thanh toán, phát triển mạng dịch vụ ngân hàng lẻ... là những hoạt động mà PVFC đang bị hạn chế.

Ở mặt khác, ngân hàng mới với quy mô trên 100.000 tỷ đồng cũng sẽ có khả năng tiếp cận các khách hàng lớn và các dự án trọng điểm là những điều mà Western Bank không có khả năng thực hiện hiện nay.

Có một điểm quan trọng là thông qua việc hợp nhất này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ giảm được phần vốn góp tại PVFC xuống còn 52% ở tổ chức tín dụng hợp nhất. Qua đó, linh hoạt hóa hoạt động đầu tư của Morgan Stanley.

Trong cơ cấu cổ đông của PVFC hiện tại, PVN đang là cổ đông lớn nhất với tỷ trọng sở hữu chiếm tới 78% vốn, Morgan Stanley chiếm 10% và 12% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Nhóm cổ đông nắm 90% vốn tại Western Bank sẽ bán toàn bộ cổ phần bằng mệnh giá

Trong khi đó, việc tái cơ cấu cổ đông tại Western Bank, nhóm cổ đông chiếm tỷ lệ 90% ứng với số vốn điều lệ 2.700 tỷ đồng sẽ thực hiện bán toàn bộ cổ phần cho nhóm cổ đông mới theo mức giá bằng mệnh giá. Số tiền thu được sẽ sử dụng để tất toán các khoản nợ liên quan và bổ sung vào nguồn trả nợ cho nhóm cổ đông này.

Vấn đề của Western Bank trước cấu trúc đó là khoản tiền gửi liên ngân hàng còn 1.118 tỷ đồng đã quá hạn (tại các ngân hàng Đệ Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa và Đại Tín) phải trích lập dự phòng 50%, tương đương 559 tỷ đồng. Trong mục lãi dự thu có gần 51 tỷ dự thu lãi cho các khoản tiền gửi tại 4 ngân hàng này nhưng phải xuất toán khỏi mục phải thu của Western Bank.

Ngoài ra, khoản đầu tư vào trái phiếu 1.800 tỷ đồng chưa có tài sản đảm báo. Khoản đầu tư vào cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Kinh Bắc - CTCP phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán xấp xỉ 88 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu sau khi điều chỉnh số liệu trích lập dự phòng bổ sung giảm xuống còn 2.310 tỷ đồng, thiếu 690 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ tối thiểu mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Đề án nhận định, Western Bank đang gặp khó khăn về thanh khoản trong trung và dài hạn nếu không có những điều chỉnh về cơ cấu nguồn và tài sản.

Cổ phiếu PVF phải hủy niêm yết

Trong hợp đồng dự thảo về hợp nhất, ngân hàng mới sẽ có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng với số cổ phiếu phát hành là 900 nghìn đơn vị, mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Kể từ ngày hợp nhất, mọi cổ phần do PVFC và Western Bank đã phát hành và đang lưu hành ngay trước thời điểm hoán đổi và mọi cổ phiếu hay giấy chứng nhận sở hữu các cổ phần đó sẽ không còn lưu hành và tự động bị hủy và chấm dứt tồn tại.

Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu việc hợp nhất tiến hành thuận lợi, cổ phiếu PVF của PVFC đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) sẽ bị hủy. Đến 11h sáng 6/5, thị giá PVF đang ở mức 8.700 đồng, tăng 400 đồng mỗi cổ phiếu. Dư bán giá trần còn trên 200 nghìn đơn vị, cho thấy thông tin sáp nhập đã tác động tích cực lên cổ phiếu này.

Mai Chi