Cần hơn "tỷ đô" cho thương vụ sáp nhập Western Bank - PVFC

(Dân trí) - Trong tổng cộng 14 đề xuất, kiến nghị lên PVN và Ngân hàng nhà nước, 2 tổ chức tín dụng ngoài xin phép sẽ hỗ trợ tiền mặt còn mong muốn được ưu đãi tối đa về chính sách sau khi sáp nhập.

Ngân hàng dự kiến sau sáp nhập sẽ có thêm các công ty con.
Ngân hàng dự kiến sau sáp nhập sẽ có thêm các công ty con.

Với việc dự kiến sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank), trong Đề án trình cổ đông xem xét, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) đã đưa ra tới 5 đề xuất tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 9 đề xuất hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Tận dụng tối đa lợi thế từ Tập đoàn mẹ

Cụ thể, PVFC bày tỏ nguyện vọng được PVN tiếp tục hỗ trợ giải quyết các khó khăn, tồn tại và chuyển đổi mô hình hoạt động an toàn, hiệu quả; tiếp tục có những chính sách hỗ trợ nguồn vốn để PVFC đảm bảo tính thanh khoản và hoạt động ổn định trong quá trình tái cấu trúc.

Theo yêu cầu về lộ trình thoái vốn của các Tập đoàn khỏi lĩnh vực tài chính - bảo hiểm đến hết năm 2015, PVN sẽ dần phải thoái tòan bộ 20% vốn điều lệ tại OceanBank và giảm dần tỷ lệ sở hữu tại PVFC từ mức 78% hiện tại xuống còn 20% trước khi đưa về 0%.

Tuy nhiên, theo như nguyện vọng của PVFC thì Tổng công ty này muốn PVN chỉ thực hiện giảm vốn theo lộ trình trong điều kiện đảm bảo được sự ổn định và phát triển an toàn của PVFC (và Ngân hàng hợp nhất sau này). Đồng thời việc giảm vốn của Tập đoàn không làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của các cổ đông hiện hữu hoặc/và các đối tác chiến lược của Ngân hàng.

Để đảm bảo trạng thái an toàn thanh khoản cho tổ chức tín dụng trước khi hợp nhất, "đứa con cưng" của PVN còn đề nghị Tập đoàn hỗ trợ trong quá trình làm việc với đối tác và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và đồng thời gửi thêm cho PVFC số tiền 7.000 tỷ đồng với kỳ hạn tối thiểu 6 tháng.

Theo đề xuất của PVFC, Tổng công ty muốn PVN ban hành Nghị quyết về việc sử dụng dịch vụ và khuyến khích các doanh nghiệp trong Tập đoàn ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng của PVFC và của Ngân hàng mới sau chuyển đổi. Đồng thời cho phép Ngân hàng mới sau hợp nhất được phép cung cấp dịch vụ tài khoản trung tâm của Tập đoàn và cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền đối với các công ty con thuộc Tập đoàn.

Vay 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cơ cấu với lãi suất thấp

Đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cả PVFC và Western Bank đề xuất được hỗ trợ cho vay từ nguồn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại khoảng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng hợp nhất. Đồng thời, nguồn vốn này cũng sẽ giúp "ngân hàng mới" có thể phát triển mảng tài trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu. 

PVFC và Western Bank "gợi ý", mức lãi suất cho vay từ nguồn tái cấp vốn này cần thấp hơn lãi suất huy động khoảng 6% để hỗ trợ Ngân hàng hợp nhất bù đắp các chi phí trực tiếp và chi phí cơ hội phát sinh trong quá trình hợp nhất, thời hạn vay khoảng 3-5 năm.

Do còn một khoản lỗ khổng lồ phát sinh trước cơ cấu, nên 2 tổ chức muốn NHNN cho phép Ngân hàng hợp nhất được duy trì dự trữ bắt buộc 50% bằng tiền mặt, 50% bằng các giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Bộ Tài chính. 

Đồng thời cho phép Ngân hàng sau hợp nhất được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vòng 5 năm kể từ thời điểm hợp nhất, theo đó Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc bằng 1/5 so với quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.

Về dư nợ đối với Vinashin và Vinalines, PVFC đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép không tính vào tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng hợp nhất, đề Ngân hàng Hợp nhất có đủ điều kiện và thời gian tiến hành khắc phục theo lộ trình. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước không tính chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế so với vốn chủ sở hữu bình quân cũng như dư nợ của Vinashin và Vinalines trong khi thực hiện xếp loại tổ chức tín dụng và xét duyệt mở chi nhánh.

Cũng nằm trong trong đề xuất hỗ trợ về tài chính, Đề án có nội dung trình NHNN kiến nghị Bộ Tài chính xem xét chấp thuận cho Ngân hàng hợp nhất được miễn thuế TNDN trong ba năm sau khi hợp nhất và giảm 50% theo mức thuế hiện hành trong hai năm tiếp theo để giúp Ngân hàng hợp nhất tích lũy vốn sau khi tái cơ cấu. 

Với lý do cho rằng, hoạt động của các công ty con sẽ giúp Ngân hàng hợp nhất bán chéo các sản phẩm và thực hiện các nghiệp vụ của Ngân hàng nhằm tăng hiệu quả sinh lời, 2 tổ chức thể hiện nguyện vọng muốn NHNN cho phép Ngân hàng hợp nhất duy trì hoạt động của công ty con hiện có của 2 TCTD hợp nhất. 

Đồng thời đề xuất NHNN cho phép Ngân hàng hợp nhất thành lập Công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm và tiếp nhận CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư tài chính Dầu khí (PVFC Capital) làm công ty con.  

Đối với khoản trích lập dự phòng của Western Bank theo Kết luận Thanh tra, đề xuất trích lập số tiền 559 tỷ đồng theo một lộ trình phù hợp nhằm đảm bảo tính ổn định trong hoạt động của Ngân hàng hợp nhất. Trong vòng 5 năm sau khi tái cơ cấu, cho phép Ngân hàng được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ của NHNN và Chính phủ cho các dự án cho vay các doanh nghiệp đặc thù, hộ dân cư, các dự án cho vay nhà ở, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ các doanh nghiệp… trong từng thời kỳ bằng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, NHNN hoặc của các tổ chức quốc tế giải ngân thông qua Bộ Tài chính, NHNN hoặc các TCTD đầu mối.

Bích Diệp