1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

PSG. TS Trần Đình Thiên: Lợi thế dân số vàng của Việt Nam không còn nữa

(Dân trí) - "Nếu chúng ta sang nước họ làm được, thì các lao động nước bạn có quyền sang Việt Nam. Với trình độ 1 người lao động Singapore làm bằng 15 người Việt Nam như WB đưa ra, thì tội gì các DN họ không thuê. Nếu là tôi, tôi cũng thuê 1 người Singapore..."

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Đó là chia sẻ của PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh câu chuyện hội nhập của Việt Nam hiện nay. Theo ông, lao động Việt Nam hiện nay kỹ năng và trình độ kém hơn nhiều so với yêu cầu của nền kinh tế công nghiệp hóa cao, kinh tế tri thức. Lợi thế của chúng ta về dân số vàng có thể chỉ áp dụng được trong thời kỳ công nghiệp hóa cấp thấp, còn khi đi vào công nghiệp hóa quy mô toàn cầu, kinh tế tri thức, thì chúng ta không còn nữa.

Theo ông, mấy năm trở lại đây kinh tế Việt Nam đang nhìn ra, nhận thấy và nêu rõ được rất nhiều yếu kém. Từ cơ chế quản lý, yếu kém từ nội lực của nền kinh tế, nguồn lực con người… chúng ta sẽ gặp bất lợi lớn khi hội nhập?

Cơ chế quản lý hiện tại chưa theo kịp được doanh nghiệp, tôi phải khẳng định điều ấy. Nhiều chính sách còn trên trời, trong khi doanh nghiệp ở dưới đất. Chúng tôi tự hỏi xem chúng ta phải cạnh tranh với nước ngoài bằng cái gì khi mà động đâu, yếu đó. Từ hệ thống ngân hàng đến nợ công đến các vấn đề của doanh nghiệp như giá vốn quá cao ăn hết lãi và cả chi phí. Họ vẫn phải cắn răng chịu để tồn tại, nhưng họ cũng chỉ chịu được 1 thời gian thôi, không thể kéo dài mãi mãi.

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Chúng ta thường tự hào về cơ cấu dân số vàng (dân số trẻ từ 18 – 45 tuổi đang ở mức cao chiếm trên 65% cơ cấu dân số tính theo độ tuổi) sẽ là động lực để đưa đất nước cất cánh. Tuy nhiên, suốt từ những năm 2000, khi chúng tôi nghiên cứu vấn đề này, đến nay 2014 tức là gần 2 thập kỷ rồi, nền kinh tế chưa chuyển biến bởi nguồn nhân lực vàng này.

Càng bất ngờ hơn khi mà năng suất lao động mới được các tổ chức độc lập của quốc tế đánh giá thấp hơn rất nhiều so với khu vực. Đầu tư nước ngoài chủ yếu gia công và kiếm lợi từ các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mang lại. Cần phải làm các đầu tư khi đầu tư vào rồi, khó rút ra được. Cái này thuộc về chính sách đào tạo nhân lực của chúng ta sắp tới.

Vậy, chúng ta đang hội nhập với thế giới ở mức độ nào và ông có thấy gì về đặc điểm quá trình hội nhập này?

Tôi tính sơ sơ, chúng ta đang có 8 hiệp định tự do song phương và cả đa phương. Sắp tới chúng ta thực hiện ký hiệp định tự do song phương (FTA) với EU, Hàn Quốc, gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và quan trọng nhất là vào sân chơi với 12 cường quốc thế giới tại Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nền kinh tế của Việt Nam đã mở, đang mở và sẽ mở rất lớn, rất rộng. Áp lực sẽ rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

Nếu như khi tham gia WTO năm 2007, Việt Nam còn có được lộ trình tham gia và vẫn được bảo trợ thuế, thì khi tham gia vào các hiệp định trên Việt Nam sẽ dỡ bỏ khoảng 90 – 95% thuế. Thuế sẽ bằng 5% - 0% ở rất nhiều mặt hàng thông thường.

Trong khi thuế bị bỏ, hàng rào phi thuế (các quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường) của Việt Nam hiện quá yếu và nhiều lĩnh vực chưa có hướng dẫn, khiến Việt Nam đã và đang hiển hiện nguy cơ là bãi rác về môi trường và công nghệ của các nước phát triển, thậm chi ở các nước thế giới thứ 2 (đang phát triển ở trình độ cao hơn) như Trung Quốc đang chuyển giao kỹ thuật sang nước ta.

Đối với cơ chế, tôi rất mừng khi Chính phủ đồng ý kiến nghị loại bỏ rất nhiều ngành khỏi danh mục cấm đầu tư, kinh doanh và hạn chế đầu tư kinh doanh trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Đầu tư, và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được đệ trình trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, hiện còn quá nhiều cơ chế của chúng ta đang hoạt động theo kiểu “không quản được thì cấm”, nhất là lĩnh vực sát sườn đối với DN là thuế Thu nhập Doanh nghiệp,  thuế nhà thầu, phí - phụ phí rồi giấy phép con trong đầu tư, giấy phép con trong thuế…

Đối với người dân, gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, 1 dự luật quan trọng là cho phép chu chuyển lao động tự do trong các nước ASEAN, đây là lợi thế của ta. Tuy nhiên, lao động Việt Nam hiện nay kỹ năng và trình độ kém hơn nhiều so với yêu cầu của nền kinh tế công nghiệp hóa cao, kinh tế tri thức. Lợi thế của chúng ta về dân số vàng có thể chỉ áp dụng được trong thời kỳ công nghiệp hóa cấp thấp, còn khi đi vào công nghiệp hóa quy mô toàn cầu, kinh tế tri thức, thì chúng ta không có còn nữa.

Các nhà quản lý bậc cao, bậc trung gốc Việt Nam để tìm được là rất hiếm. Và nếu có, thì cơ hội để các DN Việt Nam sở hữu những đối tượng này là rất khó vì nước ngoài họ đủ khôn ngoan để dùng tiền, cơ chế làm việc để “săn đầu người” những lao động bậc cao. “Đã ít, lại còn gieo neo” chúng ta lại gặp bất lợi khi bị chảy máu chất xám ngay tại nước nhà.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta sang nước họ làm được, thì các lao động nước bạn có quyền sang Việt Nam. Với trình độ 1 người lao động Singapore làm bằng 15 người Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, thì tội gì các DN họ không thuê. Nếu là tôi, tôi cũng tính lợi ích và chi phí để thuê 1 người Singapore vì ai cũng vậy, đã làm doanh nghiệp phải tính từng đồng hào bỏ ra.

Nền kinh tế yếu, các biến số đều bất lợi, tại sao chúng ta lại gia tăng hội nhập thay vì hội nhập dần từng bước?

Tôi hiểu hội nhập dần từng bước mà anh nói, nhưng dần từng bước sao được. Sân chơi với các nước lớn, các thể chế không phải miếng bánh mà chúng ta để đó mãi mà vẫn còn. Ví dụ như WTO, khi chúng ta đàm phán, đã có hàng nghìn điều khoản các nước lớn, các đối tác đi trước đã thảo luận, bàn qua và họ xây dựng thành quy định. Chúng ta vào sau, người đi sau nên phải chấp nhận tất cả, thậm chí phải đánh đổi để được hội nhập.

Với các sân chơi FTA đa phương với EU, TPP cũng vậy, nếu không gia nhập sớm để sau cũng được thôi, nhưng càng để sau, chúng ta lại càng bị phân biệt đối xử và chấp nhận các quy định đặt ra. Tham gia sớm, chúng ta có quyền được đàm phán những điều có lợi cho chúng ta, có lợi cho mai sau.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong nhiều hiệp định, các nhà đàm phán đang chấp nhận thiệt và đẩy rủi ro về cho các DN?

Cũng có nhiều cái chúng ta phải chấp nhận cho các đối tác và đổi lại chúng ta có lộ trình cắt và giảm thuế, thời gian ân hạn. VD như trường hợp quy tắc xuất xứ trong WTO để được hưởng ưu đãi xuất khẩu trong ngành dệt may. Chúng ta được nhiều nước xem xét đến nền kinh tế phi thị trường để nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và sản xuất tại Việt Nam, đúng ra các nguyên liệu này phải có nguồn gốc từ Việt Nam. Tôi nghĩ, ở thể trạng nền kinh tế của chúng ta, hội nhập sẽ rất khó khăn và đi đàm phán cũng rất mệt mỏi.

Trong đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã rất lưu tâm đến các vấn đề nhỏ nhất của đời sống doanh nghiệp, đặt lên bàn cân, để đàm phán. Chúng ta đã đạt được thỏa thuận với các nước lớn về lộ trình miễn giảm thuế, rồi rất nhiều ưu đãi khác nữa… Tuy nhiên, dường như các DN không quan tâm, để ý đến lộ trình này. Họ coi thời gian của lộ trình này đơn giản là nghỉ ngơi, chơi và thư giãn. Chỉ đến khi nước rút, họ mới kêu là chưa đủ sức, cần thêm thời gian.

Tôi phải khẳng định, xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa là tất yếu, chúng ta không thể chơi sân riêng mà tiến bộ và khỏe mạnh lên được. Vào bước đường cùng, DN Việt, người dân Việt Nam mới thấy được sức mạnh của mình. Chơi với sân chơi toàn cầu, chúng ta mới thấy chúng ta yếu gì, thiếu gì và chúng ta cần đi đâu, làm gì và cho thế giới biết chúng ta là ai. Từ sau khi hội nhập WTO, rất nhiều thành quả mà chúng ta đạt được đấy thôi, không có thống kê hay bất kỳ lý do nào đưa ra là các DN bị phá sản, ngành này, ngành kia bị bóp méo bởi do chúng ta hội nhập cả. Việc các DN phá sản, đổ vỡ… phần lớn do nội tại của điều hành kinh tế của chúng ta, do chính doanh nghiệp: lãi suất ăn hết vốn, sở hữu chéo, đầu tư đám đông dàn trải…

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”