1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phụ huynh Việt chi khoảng 1,8 tỷ USD/năm cho con đi du học

(Dân trí) - Khảo sát do HSBC vừa công bố cho thấy, tại Việt Nam, cha mẹ chi trả một khoản tiền khá lớn cho việc học ở nước ngoài của con cái. Vào năm 2013, có khoảng 1,8 tỷ USD được chi trả cho các khoản chi phí liên quan đến du học ở nước ngoài, chiếm khoảng 1% GDP năm 2013.

Bản báo cáo Học tập cho tương lai của HSBC (HSBC’s Learning for life), bản thứ hai trong chuỗi khảo sát Giá trị của Giáo dục, tiết lộ rằng nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng cao về mặt giáo dục cho con cái. Hơn 50% phụ huynh cho rằng bằng tốt nghiệp đại học là chuẩn tối thiểu cần phải có để con cái họ có thể đạt được những mục tiêu quan trọng trong cuộc đời.

Cuộc khảo sát hơn 5.550 phụ huynh tại 16 quốc gia cho thấy, 77% bậc phụ huynh sẽ cân nhắc cho con cái học đại học hoặc sau đại học tại nước ngoài nhằm trang bị cho con một khởi đầu suôn sẻ trên thị trường việc làm.

Các phụ huynh ở châu Á có mong muốn cao nhất về một nền giáo dục đại học quốc tế: Cha mẹ ở Malaysia (80%), Hong Kong (74%), Indonesia (74%) và Singapore (74%) hầu hết cân nhắc gửi con cái đến các trường đại học ở nước ngoài để hoàn tất bậc đại học. Một tỉ lệ cao hơn các bậc phụ huynh châu Á, tại Ấn Độ (88%), Thổ Nhĩ Kỳ (83%), Malaysia (82%) và Trung Quốc (82%) xem xét trường đại học nước ngoài cho các khóa học sau đại học.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Khảo sát Học tập cho tương lai cho thấy, các bậc phụ huynh nhận ra rằng giáo dục quốc tế thường đi đôi với chi phí cao, họ sẽ cân nhắc chi trả nhiều hơn cho một nền giáo dục ở nước ngoài so với giáo dục trong nước. 55% phụ huynh được chuẩn bị chi trả ít nhất nhiều hơn một phần tư, trong khi 24% sẵn sàng chi trả hơn 50%. 

Bản báo cáo cũng tiết lộ rằng, chi phí dành cho giáo dục đại học quốc tế vẫn còn là rào cản cho các bậc phụ huynh, khiến họ không xem xét lựa chọn này, 34% phụ huynh nói rằng  họ muốn gửi con đi học đại học ở nước ngoài nhưng lại không có đủ khả năng.

Tại Việt Nam, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 125.000 sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài vào năm 2013. Con số này tăng 15% so với năm 2012 và là con số tăng nhảy vọt kể từ giai đoạn 2008/9. Sinh viên Việt Nam được cho rằng xem việc học cao hơn ở các trường ở Mỹ là “tốt nhất trên thế giới” và “xứng đáng với khoản đầu tư lớn”. 

Giáo dục được các bậc phụ huynh ở Việt Nam coi trọng và ưu tiên hàng đầu do đó họ sẵn sàng chi trả cho khoản đầu tư này. Tuy nhiên, chi phí cũng là rào cản chính hạn chế một lượng lớn sinh viên Việt Nam theo đuổi việc học tại Mỹ.

Thời gian trả khoản vay được kỳ vọng khác nhau ở các thị trường khác nhau. Cha mẹ ở Anh tin rằng con của họ sẽ mất 12,4 năm để trả hết khoản nợ ở đại học, ở Mỹ là 9,6 năm, và ở Malaysia là 9,4 năm. Thời gian trả nợ vay kỳ vọng ngắn hơn nhiều ở Indonesia (3,2 năm), các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (3,6 năm) và Mexico (4,3 năm). 

Ngoài ra, bản báo cáo cho thấy, 83% phụ huynh định sẵn trong đầu một nghề nghiệp cụ thể cho con cái, và họ ưu tiên cho những nghề cần chuyên môn và thiên về khoa học tự nhiên, thường có sự liên hệ với thu nhập cao và sự đảm bảo về việc làm cao.

Y khoa đứng đầu những ngành được ưa thích, với 19% phụ huynh lựa chọn. Những ngành được ưa chuộng khác là kỹ sư (11%) và khoa học máy tính (8%).

Ngoài kiến thức, cha mẹ cho rằng nền giáo dục của trường đại học dạy con họ trở nên tự lập (86%), có trách nhiệm về tài chính (84%), và tự tin trong giao tiếp xã hội (83%) là điều quan trọng nhất. Điều này cho thấy để thành công trong cuộc sống, cha mẹ kỳ vọng các trường đại học cung cấp cho con họ các kỹ năng mềm bên cạnh tri thức.

 An Hạ


Người dân Hy Lạp xếp hàng để rút các khoản tiền ít ỏi từ ATM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm