Phòng vệ thương mại ngành thép: Biến thách thức thành cơ hội

Cơ hội và thách thức luôn song hành trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là đối với những ngành hàng có giá trị cao như ngành thép.

Việc các nước đều đang có biện pháp bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước chính là thách thức đòi hỏi cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam phải bứt phá vươn lên, đồng hành liên kết tạo sức mạnh để cạnh tranh, trụ vững trên trường quốc tế và chính sân nhà.

Xung quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình hình dư thừa công suất với sản phẩm thép trên thế giới hiện nay?

Ngành sản xuất thép trên thế giới được coi là một trong các ngành kinh tế cơ sở quan trọng, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư. Sản phẩm nhôm, thép là nguyên liệu đầu vào cơ bản của hầu hết các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất xe hơi, phương tiện giao thông vận tải, đóng tàu, điện máy gia dụng, xây dựng v.v.

Theo Ủy ban Thép của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lượng sản xuất thép thế giới đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2016 (từ 1,05 tỷ tấn đến 2,39 tỷ tấn). Công suất sản xuất thép trên thế giới trong năm 2015 đã vượt nhu cầu khoảng 700 triệu tấn và 800 triệu tấn trong năm 2016. Nguyên nhân được cho là do sự gia tăng sản xuất của Trung Quốc, theo đó năm 2006, nước này mới sản xuất 488 triệu tấn nhưng đến năm 2016 đã sản xuất 1,16 tỷ tấn thép.

Sự dư thừa công suất sản xuất thép đã tác động đáng kể đến ngành thép của các nước trên thế giới, các cường quốc sản xuất thép đã gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ thép của Trung Quốc với những lợi thế về giá, dẫn đến những thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Vấn đề này đã trở thành nội dung “nóng” tại các nghị trường thế giới và OECD đã tổ chức nhiều phiên họp để xử lý. Tuy nhiên, đến phiên họp gần đây nhất vào tháng 3 năm 2018, tổ chức này tiếp tục nhận định “dư thừa công suất” vẫn đang là một trong những trở ngại lớn nhất đối với ngành thép.

Xin Thứ trưởng cho biết các nước đã và đang làm gì để xử lý tình trạng này?

Trong bối cảnh dư thừa công suất sản xuất và chưa có một giải pháp đa phương, nhiều nước đã có những biện pháp riêng nhằm xử lý vấn đề này, nổi bật là Hoa Kỳ.

Số liệu từ Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cho hay, tính đến tháng 4 năm 2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã điều tra và áp dụng 437 lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp, trong đó 225 lệnh là liên quan đến sản phẩm thép. Bên cạnh các biện pháp phòng vệ thương mại, Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau để hạn chế nhập khẩu thép của Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung. Điển hình trong số đó là biện pháp hạn chế nhập khẩu thép vì lý do an ninh quốc gia theo Mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại với mức thuế 25% dành cho thép nhập khẩu từ tất cả các nước (trừ một số nước được miễn trừ).

Tiếp theo các hành động của Hoa Kỳ, Ủy ban châu Âu (EC) đã tự khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu với lý do lo ngại thép bị chặn khi vào Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng sang thị trường các nước trong Liên minh châu Âu. Cần lưu ý rằng, biện pháp tự vệ ít khi được EC sử dụng, đây là vụ việc tự vệ đầu tiên kể từ năm 2010 được EC khởi xướng điều tra.

Một số quốc gia khác như Canada, Ấn Độ, Thái Lan cũng đã đánh tiếng về khả năng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước nguy cơ chuyển hướng thương mại do các biện pháp của Hoa Kỳ và EC.

Như vậy, có thể thấy, các nước đang rất chủ động để có những biện pháp xử lý với tình trạng dư thừa công suất thép toàn cầu.

Vậy tình hình sản xuất của Việt Nam và tác động của việc dư thừa công suất đối với nước ta hiện nay như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Theo số liệu của OECD, Việt Nam cũng là quốc gia có sự gia tăng mạnh mẽ công suất sản xuất thép. Tính trong vòng 10 năm, từ năm 2006 – 2016, Việt Nam đã tăng công suất sản xuất thép từ 1,5 triệu tấn lên đến 21,15 triệu tấn. Mặc dù sự gia tăng của năng lực sản xuất chủ yếu để cung cấp cho nhu cầu trong nước, tuy nhiên trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm thép. Khối lượng xuất khẩu các sản phẩm thép của Việt Nam đã tăng từ 1,9 triệu tấn năm 2012 lên 5,5 triệu tấn năm 2017 (số liệu từ Tổng cục Hải quan).

Gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đang trong tình trạng dư thừa công suất, các sản phẩm thép của Việt Nam sẽ phải đối mặt với số lượng các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng nhiều. Hiện tại, thép là ngành hàng của Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất với 27 vụ việc, chiếm tỷ trọng khoảng 21%. Ngoài ra, trong những năm gần đây, đã xuất hiện cáo buộc của một số quốc gia cho rằng việc các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu phôi thép và thép cán nóng từ Trung Quốc để cán nguội và sản xuất các sản phẩm thép hạ nguồn là một hình thức lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại mà các quốc gia này đã áp dụng đối với thép Trung Quốc. Quan điểm của các quốc gia này là nếu tình trạng đó tiếp tục xảy ra thì không thể giải quyết được vấn đề dư thừa công suất, do vậy họ sẽ phải thay đổi các thông lệ về xác định quy tắc xuất xứ để phòng chống hiện tượng lẩn tránh thuế.

Theo Thứ trưởng, cần làm gì để xử lý vấn đề này?

Để xử lý có hiệu quả vấn đề này, cần có sự tham gia tích cực của cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, cần tỉnh táo nhìn nhận bức tranh tổng thể để thấy việc tăng công suất, tăng đầu tư hướng đến xuất khẩu vào giai đoạn này là rất rủi ro. Nhìn chung, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chiến lược kinh doanh thận trọng, đánh giá đầy đủ các rủi ro. Đặc biệt, với những lý do như đã trình bày, không nên coi việc các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc là “cơ hội xuất khẩu” đối với thép Việt Nam.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại mà thép Việt Nam là đối tượng bị điều tra. Bộ Công Thương cũng sẽ làm việc với các nước để nắm bắt các thay đổi về quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm thép để kịp thời cảnh báo cho các doanh nghiệp.

Theo Báo Công Thương