Phó Thủ tướng chỉ rõ việc cán bộ "bảo kê" buôn lậu, tiếp tay cho tội phạm

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Trường hợp "bảo kê" chủ yếu nhất là đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, buôn bán than, cát, sỏi trái phép, chặt phá rừng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc...

Ngày 7/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), BCĐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389).

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong giai đoạn này đã được các lực lượng chức năng của BCĐ 389 đã xử lý hơn 1,2 triệu vụ việc vi phạm, trong đó xử lý hình sự hơn 10.000 vụ với hơn 12.000 đối tượng liên quan, thu nộp ngân sách gần 117.000 tỷ đồng.

Nhiều vụ việc gian lận liên quan đến chuyển giá, trốn thuế được Tổng cục Thuế phát hiện, xử lý. Nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy xăng dầu, khoáng sản, pháo nổ, hàng tiêu dùng... với số lượng rất lớn được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Phó Thủ tướng chỉ rõ việc cán bộ bảo kê buôn lậu, tiếp tay cho tội phạm - 1
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (ảnh: VGP)

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng, nhiều nơi vai trò của các lực lượng chuyên trách còn hạn chế, chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt, chưa sâu sát nắm bắt tình hình địa bàn, khu dân cư. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp "bảo kê" cho các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, buôn bán than, cát, sỏi trái phép, chặt phá rừng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc...

Trong khi đó, cơ chế chính sách còn sơ hở, bất cập, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Tổ chức bộ máy của một số cơ quan chức năng vẫn còn nhiều bất cập, nhiệm vụ phân định chưa cụ thể.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các BCĐ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương đề ra và tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tập trung làm tốt công tác xây dựng lực lượng, đảm bảo bộ máy trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách; công tác phối hợp lực lượng, kiểm tra đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao...

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia, luôn xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các lực lượng chức năng phải có quyết tâm cao trong phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

"Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển công tác khác" - Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan thường trực của 2 BCĐ theo dõi, chỉ đạo sát sao việc này, kịp thời báo cáo Trưởng BCĐ và Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng chỉ rõ việc cán bộ bảo kê buôn lậu, tiếp tay cho tội phạm - 2

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị (ảnh: VGP)

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng như công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, thuế…; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức "liêm chính, bản lĩnh", có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong phòng, chống tội phạm và quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội; rà roát, xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở... Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vừa tiết kiệm chi phí quản lý cho Nhà nước, chi phí thực hiện cho người dân, vừa góp phần ngăn chặn phát sinh tiêu cực... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong các lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung cao độ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cả hệ thống chính trị, để công tác này ngày càng hiệu quả, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH của đất nước.