Phó Thủ tướng chỉ đạo tìm phương án cứu nhà máy phân bón thua lỗ
(Dân trí) - Cùng hàng loạt các chỉ đạo đưa ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng các biện pháp, hàng rào kỹ thuật phù hợp với quy định hiện hành để bảo vệ sản xuất phân bón trong nước, ngăn ngừa nhập khẩu, tiêu thụ phân bón kém chất lượng trên thị trường.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về xử lý tồn tại của Công ty cổ phần DAP - Vinachem. Trước đó, hôm 27/12/2016, Phó Thủ tướng đã có buổi làm việc tại công ty này.
Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ do DAP - Vinachem làm chủ đầu tư bắt đầu sản xuất thương mại từ năm 2010, liên tục có lãi trong giai đoạn 2010 - 2012. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, nhà máy có dấu hiệu thua lỗ. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, nguyên nhân thua lỗ là có cả khách quan và chủ quan, gồm: giá nguyên liệu Apatit Lào Cai tăng đột biến (trên 20%), giá bán sản phẩm giảm và các yếu tố chủ quan khác về quản trị doanh nghiệp, vấn đề thuế giá trị gia tăng.
Theo thông báo, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Tập đoàn Hoá chất đã chỉ đạo Công ty DAP-Vinachem khẩn trương rà soát toàn diện thực trạng hoạt động sản xuất và kinh doanh để kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm cắt giảm tối thiểu 20% chi phí.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến việc giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển; Vinachem cũng phải rà soát, báo cáo rõ lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến từ năm 2013 và đề xuất phương án điều chỉnh giá nguyên liệu đầu vào.
Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm roà soát, sắp xếp lại mạng lưới phân phối, hoàn thiện dây chuyền công nghệ và tay nghề lao động, rà soát lại bộ máy quản lý và lực lượng lao động. Đồng thời, xây dựng phương án với lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm về vấn đề môi trường trong sản xuất kinh doanh.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng các biện pháp, hàng rào kỹ thuật phù hợp với quy định hiện hành để bảo vệ sản xuất phân bón trong nước, ngăn ngừa nhập khẩu, tiêu thụ phân bón kém chất lượng trên thị trường.
Tại Thông báo này, Phó Thủ tướng cũng yêu giao Vinachem chỉ đạo DAP-Vinachem khẩn trương rà soát và lập Đề án tổng thể về sản xuất kinh doanh, nêu cụ thể chi tiết về cơ cấu giá thành sản phẩm, nguyên nhân, yếu tố dẫn đến việc thua lỗ và giải pháp triển khai thực hiện về quản trị (tài chính, nhân lực, chi phí vật tư, tiêu hao, công nghệ, chất lượng sản phẩm), về bảo vệ môi trường, về thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì, xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón; chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan xem xét đề xuất chính sách thuế đối với sản phẩm thạch cao nhân tạo sử dụng làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định
Bộ Xây dựng phối hợp Văn phòng Chính phủ và các Bộ có liên quan xem xét sớm hoàn thiện và ban hành Đề án và Quy chuẩn đối với sản phẩm thạch cao nhân tạo sử dụng làm phụ gia xi măng và vật liệu xây dựng.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ tháng trước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.
Trong số 12 dự án được “điểm danh”, thì có tới 4 dự án thuộc Vinachem, bao gồm: dự án đạm Ninh Bình, dự án đạm Hà Bắc, dự án DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM, lũy kế 9 tháng năm 2016, công ty đạt doanh thu thuần gần 842 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2015; Lợi nhuận sau thuế âm 324 tỷ đồng trong khi cùng kỳ công ty lãi xấp xỉ 32 tỷ đồng. Trước đó, năm 2011, lãi trước thuế của DAP - Vinachem là 329 tỷ đồng, năm 2012 lãi trước thuế 325 tỷ đồng, năm 2013 số lãi là 2 tỷ đồng và năm 2014 là trên 4,5 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận quý 3/2016 lỗ nặng là do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chi phí tăng cao, lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn, giá thành sản phẩm giảm sâu và hàng ế ẩm.
Phương Dung