Xem xét dừng, liên doanh hoặc bán loạt dự án thua lỗ của Vinachem
(Dân trí) - Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo Tập đoàn nghiên cứu, so sánh các phương án dừng, cổ phần hoá, liên doanh hay bán… các dự án này. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án tốt nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có Thông báo Kết luận Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số dự án lớn của Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam diễn ra hôm 7/12/2016.
Theo kết luận, Thủ tướng đánh giá Tập đoàn công nghiệp Hoá chất Việt Nam (Vinachem) là Tập đoàn kinh tế Nhà nước được giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm lốp cao su, khí công nghiệp và các sản phẩm thiết yếu khác. Trong nhiều năm qua, Tập đoàn này đã có nhiều cố gắng, phát huy nguồn lực để đầu tư dự án, nhà máy sản xuất phân đạm, các dự án sản xuất DAP và dự án khai thác, chế biến muối mỏ tại Lào…
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua những khó khăn chung của kinh tế thế giới, khu vực và trong nước làm cho nhu cầu phân bón bị thu hẹp, tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong khi đó công tác dự báo đánh giá thị trường của Tập đoàn còn hạn chế, công nghệ sản xuất còn nhiều vấn đề… Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến giá thành sản xuất cao, lỗ lớn đã xảy ra và còn tiếp tục lỗ trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh như vậy, cần bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn hiện nay một cách khách quan, toàn diện để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển Tập đoàn một cách bền vững theo đúng chủ trương tái cơ cấu của Thủ tướng Chính phủ”, kết luận nêu.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu giao Bộ Công Thương chỉ đạo Vinachem rà soát, đánh giá nghiêm túc các nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra thua lỗ của các dự án sản xuất phân bón; khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, thực hiện quyết toán các dự án và các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, lập phương án tiết giảm tối đa chi phí sản xuất của các dự án này.
“Đồng thời Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo Tập đoàn nghiên cứu, so sánh các phương án dừng, cổ phần hoá, liên doanh hay bán… các dự án này. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án tốt nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, báo cáo cho hay.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý cho Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình giảm mức trích khấu hao cơ bản năm 2017, 2018 và năm 2019 nhưng phải đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, giao Bộ Công Thương nghiên cứu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân ure và DAP nhập khẩu.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ tháng trước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.
Trong số 12 dự án được “điểm danh”, thì có tới 4 dự án thuộc Vinachem, bao gồm: dự án đạm Ninh Bình, dự án đạm Hà Bắc, dự án DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai.
Trong đó, dự án Đạm Ninh Bình vốn 12 nghìn tỷ, lỗ 2.700 tỷ đã “phủ sóng” khắp mặt báo. Còn dự án mở rộng đạm Hà Bắc của Tập đoàn Hòa chất Việt Nam cũng đã được nhắc đến nhiều. Theo kế hoạch năm đầu tiên (năm 2015), Đạm Hà Bắc lỗ 585 tỷ đồng, năm thứ 2 (năm 2016) lỗ 124,69 tỷ đồng. Dù có lãi trở lại từ năm 2017 nhưng phải đến năm 2019 công ty mới hết lỗ luỹ kế.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần DAP - VINACHEM, lũy kế 9 tháng năm 2016, công ty đạt doanh thu thuần gần 842 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2015; Lợi nhuận sau thuế âm 324 tỷ đồng trong khi cùng kỳ công ty lãi xấp xỉ 32 tỷ đồng. Trước đó, năm 2011, lãi trước thuế của DAP - VINACHEM là 329 tỷ đồng, năm 2012 lãi trước thuế 325 tỷ đồng, năm 2013 số lãi là 2 tỷ đồng và năm 2014 là trên 4,5 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân lợi nhuận quý 3/2016 lỗ nặng là do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chi phí tăng cao, lãi suất vay vốn lưu động tại ngân hàng tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn, giá thành sản phẩm giảm sâu và hàng ế ẩm.
Phương Dung