Phó Thủ tướng: Áp thuế với hàng giá trị nhỏ qua sàn thương mại điện tử

Bạch Huy Thanh Hoa Lê

(Dân trí) - Từ thực tiễn hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ chưa được thu thuế, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tới đây sẽ áp thuế với các mặt hàng này.

Ngày 29/10, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) đồng tình việc không quy định miễn VAT đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ.

Nguy cơ thất thu thuế lớn

Theo ông Hiếu, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng hóa có giá trị nhập khẩu có giá trị nhỏ có khối lượng ngày càng lớn.

Số liệu thống kê vào thời điểm tháng 3/2023 cho thấy mỗi ngày có 4-5 triệu đơn hàng nhập về Việt Nam qua sàn thương mại điện tử. Giá trị mỗi đơn hàng bình quân khoảng 200.000 đồng, tổng giá trị nhập khẩu đối với các hàng hóa giá trị nhỏ này mỗi ngày lên tới trên 800 tỷ đồng.

Theo ông Hiếu, con số này không ngừng tăng lên khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh. "Nếu xét về từng đơn hàng thì giá trị nhỏ, nhưng nếu xét về tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu thì không hề nhỏ", ông Hiếu nói.

Phó Thủ tướng: Áp thuế với hàng giá trị nhỏ qua sàn thương mại điện tử - 1

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu sáng 19/10 (Ảnh: Phạm Thắng).

Do đó, vị đại biểu cho rằng nếu tiếp tục miễn thuế đối với loại hàng hóa này sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn. Cùng với đó, sẽ có tình trạng "xé nhỏ" giá trị đơn hàng để tránh thuế.

Ông đặt vấn đề khi miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu được hưởng nhiều lợi thế.

Lợi thế trước hết là giá rẻ hơn so với hàng hóa trong nước khi họ không phải chịu thuế khi nhập khẩu. Đồng thời, do không phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với loại hàng hóa này cũng nhanh hơn, có tính cạnh tranh cao hơn, theo ông Hiếu.

Vị đại biểu cũng cho hay, thời gian gần đây, có một số sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng với giá rất rẻ, rất cạnh tranh. Nếu không có các giải pháp kịp thời, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước.

Hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ đều phải nộp thuế

Về kinh nghiệm quốc tế, ông Hiếu cho biết, nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử.

Theo đó, Liên minh châu Âu từng áp dụng chính sách miễn thuế đối với hàng có giá trị dưới 150 euro, nhưng đã bãi bỏ từ 1/7/2021 với lý do chống thất thu thuế và đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đã có những bước đi tương tự.

Từ những yếu tố nêu trên, vị đại biểu đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.

Ông Hiếu nhấn mạnh, luật hiện hành và dự thảo luật không quy định về vấn đề này nhưng việc miễn thuế đang được thực hiện theo Quyết định số 78/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế của Thủ tướng.

"Đây là điểm chưa phù hợp với chính sách do luật định, đề nghị cần quy định rõ trong nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội này về việc cần sớm chấm dứt hiệu lực của quyết định này", ông Hiếu đề nghị.

Phó Thủ tướng: Áp thuế với hàng giá trị nhỏ qua sàn thương mại điện tử - 2

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Giải trình về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc miễn VAT với hàng giá trị nhỏ được Chính phủ thực hiện theo Công ước Tokyo.

Ông Phớc khẳng định Chính phủ sẽ bỏ Quyết định 78/2010 và đưa vào dự thảo Luật Thuế VAT. "Hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ đều phải nộp thuế", ông Phớc nói.

Nhắc đến hiện tượng sàn thương mại điện tử Temu gần đây bán giá rẻ khi chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, ông Phớc cho biết sàn thương mại điện tử này đã tận dụng Quyết định 78/2010 để bán hàng giá rẻ (dưới 1 triệu đồng - PV) vào Việt Nam. Theo ông Phớc, cơ quan chức năng đã yêu cầu kiểm tra với Temu.