Phó thống đốc Phạm Quang Dũng: Vietcombank cần sớm trình phương án tăng vốn
(Dân trí) - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng giao hàng loạt nhiệm vụ cho Vietcombank năm 2024, trong đó có việc ngân hàng này cần sớm trình phương án tăng vốn điều lệ.
Cùng với nhiều lãnh đạo đơn vị khác, ông Phạm Quang Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - đại diện Ngân hàng Nhà nước tham dự hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Trước khi nhận nhiệm vụ tại Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Quang Dũng là Chủ tịch HĐQT Vietcombank. Vì lý do này mà tại hội nghị, trong phần phát biểu trước đó, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank - nêu chuyện "có lẽ không ai hiểu Vietcombank bằng ông Phạm Quang Dũng".
Tại hội nghị, Phó thống đốc Phạm Quang Dũng nhận định năm 2023 là năm có nhiều biến động, khó khăn. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, gánh chịu đầy đủ tác động từ địa chính trị bên ngoài lẫn khó khăn cố hữu trong nước, động cơ tăng trưởng nội địa đều giảm tốc. Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu đều ghi nhận suy giảm.
Tiêu dùng mặc dù có tăng trưởng so với 2022 nhưng chậm hơn rất nhiều các năm trước. Xuất nhập khẩu tính chung cả năm giảm 6,6%, xuất khẩu giảm 4,5%. Bất động sản trầm lắng, ảnh hưởng nhu cầu, người dân, doanh nghiệp có tâm lý phòng thủ, giảm đòn bẩy.
Trong môi trường vĩ mô khó khăn, sự chỉ đạo đúng hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các chính sách, thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù chưa đạt kế hoạch nhưng tăng trưởng đã khả quan. Lạm phát được kiểm soát. Mặt bằng lãi suất giảm hơn 2%.
Ông Dũng cho hay trên cương vị ngân hàng chủ lực, Vietcombank đã làm tốt vai trò tiên phong, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành ngân hàng. Năm 2023, lợi nhuận trước thuế ngân hàng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, đóng góp cho ngân sách hơn 11.200 tỷ đồng - mức lớn nhất...
Theo ông Dũng, năm 2024 dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức từ địa chính trị, lãi suất ở mức cao trong thời gian dài. Ông đề nghị người đại diện vốn, ban lãnh đạo ngân hàng quán triệt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về chương trình hành động ngành ngân hàng năm 2024 và Chỉ thị 01, 02 của cơ quan quản lý tiền tệ.
Ban lãnh đạo ngân hàng cần tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp tín dụng, tiền tệ, ngoại hối; xây dựng kế hoạch tài chính năm 2024, bám sát chính sách tiền tệ, tín dụng, thực hiện mục tiêu kinh doanh, cố gắng về đích sớm.
Năm nay, Vietcombank được giao hạn mức tín dụng từ sớm. Ngân hàng cần có biện pháp linh hoạt, tận dụng room tăng trưởng tín dụng nhưng an toàn hiệu quả, kết hợp xử lý nợ xấu, tăng trưởng hợp lý, đảm bảo cân đối huy động và sử dụng vốn…
Ngoài ra, Vietcombank cũng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo, hạn chế nợ xấu phát sinh, tăng cường kết nối với doanh nghiệp. Ngân hàng cần triển khai cơ cấu lại nợ xấu, tăng cường công tác quản lý, ngăn ngừa vi phạm, triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.
Ngân hàng cũng cần sớm trình phương án tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại từ 2021 là hơn 28.000 tỷ đồng. Ngân hàng cần làm việc rốt ráo để sớm trình Quốc hội trong phiên họp gần nhất. Ngoài ra, ngân hàng chủ động xây dựng kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022, hạn chế nguồn phát hành riêng lẻ, tránh pha loãng sở hữu Nhà nước.
Một số nhiệm vụ khác mà ngân hàng cần thực hiện trong năm 2024 là nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh mới; đẩy nhanh tiến độ xử lý thu hồi tài sản đảm bảo, nỗ lực thu hồi nợ ngoại bảng; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, mở rộng kênh, sử dụng hệ sinh thái đối tác...