1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Không tăng lãi suất những tháng cuối năm

(Dân trí) - "Những tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những bước điều chỉnh chính sách lãi suất phù hợp,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Ngày 12/9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7%/năm.

Theo đánh giá của Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại cuộc họp báo thường kỳ quý III vừa diễn ra, lãi suất hiện nay được xem là tốt nhất trong điều hành, hài hòa giữa người vay và người gửi tiền. Việc giảm lãi suất trong thời điểm này cũng mang đến thông điệp sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Không tăng lãi suất những tháng cuối năm - 1

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Sẽ không tăng lãi suất những tháng cuối năm 

Việc giảm lãi suất điều hành là một thông điệp cho thấy nền kinh tế vĩ mô ổn định, các ngân hàng thương mại cũng sẽ có thể từ đó để giảm lãi suất cho vay. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước sắp tới là tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, không để tăng, còn giảm sẽ phụ thuộc cụ thể vào từng đối tượng, cũng còn phụ thuộc quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp đó với ngân hàng thương mại. Phó Thống đốc cũng cho biết, qua các hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp ở nhiều thành phố lớn, không nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề về lãi suất.

"Những tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng, còn giảm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những bước điều chỉnh chính sách lãi suất phù hợp,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; ở mức 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Cũng tại buổi họp báo, một số ý kiến cho rằng cần giảm giá tiền đồng để đẩy mạnh xuất khẩu, Phó Thống đốc cho rằng: Việc phá giá hay tăng giá ở Việt Nam còn phải tính đến vấn đề chung trong tổng thể nền kinh tế, để điều hành hợp lý tạo sự ổn định và lợi ích tốt nhất cho thị trường. Xuất khẩu chậm lại đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến thị trường thế giới khi xuất khẩu nhiều nền kinh tế lớn cũng giảm tốc.

“Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã nhận định Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách ngoại hối vừa qua và hiện nay rất hài hòa, hợp lý. Ngân hàng Nhà nước còn phải tính đến nhập khẩu và các cân đối vĩ mô, không thể lấy tỷ giá làm công cụ thúc đẩy xuất khẩu,” đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Phó Thống đốc cũng cho hay, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ; điều hành dự trữ bắt buộc đồng bộ với công cụ chính sách tiền tệ khác, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.

An Hạ