11.000 tỷ đồng dự trữ thanh khoản cho 3 ngân hàng giá 0 đồng

(Dân trí) - “Dự trữ thanh khoản của Ngân hàng Xây dựng là 1.000 tỷ; GPBank là 3.000 tỷ và OceanBank là 7.000 tỷ. Đây là lực lượng sẵn sàng chi trả cho người dân”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN tiết lộ.

Chia sẻ về việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: Mục đích NHNN mua lại ngân hàng mất hết vốn, đó là vì sự an toàn đối với tiền gửi của dân, tài sản của nhà nước. NHNN mua không vì mục tiêu lợi nhuận.

Vậy, nguồn vốn ở đâu để NHNN phục hồi các ngân hàng thương mại được mua lại 0 đồng? Theo đại diện NHNN, cơ quan này không dùng tiền thuế của dân, ngân sách để xử lý các ngân hàng yếu kém. Đó là nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD), nguồn vốn của NHNN tái cấp vốn theo đúng quy định của luật tín dụng.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, khi nhà nước đã sở hữu thì nguồn vốn sẽ gia tăng trở lại. NHNN chỉ lấy người của ngân hàng tham gia công tác quán trị điều hành, mọi vấn đề về tài chính rành mạch trên cơ sở của luật dân sự”, ông Nghĩa nói.

 


Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN

 

Đối với việc mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng, OceanBank, GPBank), đại diện NHNN khẳng định 3 ngân hàng này đều được thuê kiểm toán quốc tế. Khi định giá xong thì tài sản các ngân hàng đó âm hết vốn, tức giá trị cổ phiếu chẳng còn gì nữa trong trường hợp đã mất hết vốn chủ sở hữu thì mua 0 đồng là hợp lý.

Điều đáng nói, theo ông Nghĩa kể từ khi NHNN mua lại, dòng tiền gửi đã trở lại 3 ngân hàng trên rất tốt và thanh khoản hoàn toàn đảm bảo.

“Dự trữ thanh khoản của Ngân hàng Xây dựng là 1.000 tỷ; GPBank là 3.000 tỷ và OceanBank là 7.000 tỷ. Đây là lực lượng sẵn sàng chi trả cho người dân”- ông Nghĩa khẳng định.

Cũng theo chia sẻ từ ông Nghĩa, 4 năm tái cơ cấu là 4 năm vượt khó của hệ thống ngân hàng, đẩy lùi nguy cơ sụp đổ hệ thống. Qua đó, thanh khoản của hệ thống cải thiện rất tốt (20% - gấp đôi mức tối thiểu theo quy định của pháp luật). Huy động vốn từ 2011 đến nay tăng khoảng 90%. Tín dụng thời điểm hiện nay so với cuối tháng 12/2011 tăng 54%.

Về xử lý ngân hàng yếu kém, theo ông Nghĩa, chưa có giai đoạn nào việc hợp nhất, mua lại các TCTD lại diễn ra đồng bộ, tự nguyện như thời gian vừa qua. Điều đó cho thấy sự thay đổi tư duy, khắc phục những yếu kém từ chính bản thân, chuyển từ thế e ngại sang tích cực, chủ động.

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng - cho rằng: Ở Việt Nam, hầu như xử lý nợ được thực hiện qua việc thương thảo giữa người đi vay và cho vay, phần lớn phải đem nhau ra toà ròng rã bao nhiêu năm trời. Khi có phán quyết của tòa án thì tùy theo nhận định, sự hiểu biết của các đơn vị thi hành án.

“Có lẽ khung pháp lý của chúng ta cần thay đổi để các ngân hàng có cách giải quyết giữa các thành phần kinh tế với nhau mà không nhất thiết phải qua tòa án. Ngân hàng có quyền thế chấp, trường hợp anh không trả được nợ, tôi có quyền thế chấp tài sản đó”, TS Hiếu khuyến nghị.

Nguyễn Hiền

 

11.000 tỷ đồng dự trữ thanh khoản cho 3 ngân hàng giá 0 đồng - 2