Phố cũ Hà Nội: Tiêu chí đánh giá còn nhiều thiếu sót

(Dân trí) - Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng tiêu chí đánh giá khu phố cũ theo quan điểm của sở QH-KT Hà Nội là chưa sát thực, còn thiếu sót dẫn tới quy định quản lý sẽ không phù hợp.

Phố cũ Hà Nội: Tiêu chí đánh giá còn nhiều thiếu sót
Theo quan điểm của bộ Xây dựng thì cần nêu rõ, cụ thể về kiến trúc ở từng ô phố sẽ quản lý như thế nào (đối với công trình mới, công trình cũ...), về cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng, pa-nô quảng cáo
 
 
Thứ trưởng Nguyễn Đinh Toàn vừa có văn bản góp ý về dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ trên địa bàn Hà Nội do Sở chủ trì soạn thảo.trình bộ Xây dựng

Cải tạo một số tuyến phố thành nhà vườn và phố thương mại

Theo dự thảo quy chế này thì khu phố cũ nằm trên địa bàn ba quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng.

Cụ thể, khu phố cũ Nam Q.Hoàn Kiếm có quy mô 190ha, giới hạn gồm tuyến phố Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Hưng Đạo, Hàn Thuyên, Lê Văn Hưu, Nguyễn Du, Thiền Quang, Lê Duẩn.

Khu phố cũ Đông Q.Ba Đình có quy mô 112ha, là khu vực liền kề trung tâm chính trị Ba Đình và khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (giáp các tuyến phố Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng).

Khu phố cũ Bắc Q.Hai Bà Trưng có quy mô 92ha, ranh giới gồm các phố tiếp giáp khu phố cũ Q.Hoàn Kiếm, phố Quang Trung, Nguyễn Đình Chiểu, Tô Hiến Thành, Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc, Nguyễn Cao, Lê Quý Đôn.

Trong khu phố cũ, các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Phan Đình Phùng với kiến trúc đặc trưng “thành phố vườn” được đánh giá là có giá trị không gian cảnh quan, do vậy dự thảo quy chế đề xuất bảo tồn công trình có giá trị, quy hoạch cải tạo không gian để tái cấu trúc không gian “thành phố vườn” đặc trưng.

Về các chỉ tiêu quy hoạch, theo dự thảo quy chế, đối với công trình cải tạo, sẽ giữ nguyên mật độ, tầng cao. Đối với công trình xây mới, mật độ tối đa 60% và xem xét cụ thể từng ô phố. Chiều cao công trình 3 - 4 tầng, lớp trong lùi 3m so với lớp ngoài, cao 6 tầng.

Khu vực này thực hiện chủ trương di dời trụ sở bộ, ngành, bệnh viện, trường đại học. Quỹ đất sau khi di dời ưu tiên khai thác chức năng công cộng và tiện ích xã hội. Dự thảo quy chế khuyến khích quy hoạch cải tạo không gian quanh công trình có giá trị, dỡ bỏ hàng rào hoặc rào thoáng các mặt công cộng để mở rộng không gian; phá dỡ công trình ảnh hưởng công trình có giá trị, trả lại khuôn viên ban đầu.

Dự thảo quy chế cũng cho phép khai thác dịch vụ không làm ảnh hưởng đến kết cấu, hình thức kiến trúc; có thể xem xét xây dựng công trình cao tầng tạo điểm nhấn đô thị tại khu vực tiếp giáp phía Nam đê sông Hồng, khu quảng trường Ga Hà Nội.

Đối với tuyến phố có nét đặc trưng nhà phố (Bà Triệu, Hàng Bài, Phố Huế), quy định chung là bảo tồn công trình có giá trị, cải tạo không gian thành tuyến phố thương mại điển hình. Các công trình cải tạo sẽ giữ nguyên mật độ, tầng cao, trong khi công trình xây mới mật độ tối đa 50 - 60% tùy theo ô phố. Chiều cao lớp ngoài 4, lớp trong 6 tầng.

Khu vực này cũng thực hiện chủ trương di dời trụ sở, trường đại học, bệnh viện, ưu tiên quỹ đất cho tiện ích công cộng và hạ tầng xã hội, phá bỏ công trình ảnh hưởng đến công trình có giá trị, trả lại khuôn viên ban đầu và không cho phép xây dựng công trình cao tầng.

Thiếu sót, chưa sát thực…

Theo nhận định của Thứ trưởng, việc xây dựng tiêu chí đánh giá giá trị công trình trong “dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu phố thời Pháp” Q.Ba Đình mà thiếu các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng là chưa sát thực.

Với tiêu chí và cách cho điểm như trong dự án sẽ là thiếu sót hoặc đánh giá không đúng mức giá trị công trình, từ đó dẫn đến các quy định quản lý sẽ không phù hợp.

Đơn cử, có công trình có giá trị lịch sử, mang tính duy nhất còn lại, có thể về kiến trúc và công năng sử dụng chưa phải là tốt nhất hay công trình xây dựng đầu tiên, đại diện cho một phong cách kiến trúc mới ở Hà Nội những năm 1921-1936 cần ưu tiên bảo tồn.

Cũng tại công văn nói trên, Bộ Xây dựng đề nghị đơn vị nghiên cứu quy chế cần xác định đúng phạm vi nghiên cứu, ranh giới khu phố cũ.

Theo quan điểm của bộ thì phần quy định chung cần xác định rõ những quan điểm chính về không gian quy hoạch cảnh quan (lưu ý quản lý các tuyến phố chính), về kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đô thị...

Đối với phần quy định cụ thể, là công cụ rất cần thiết để quản lý, Bộ yêu cầu quy chế cần xác định quản lý theo từng ô phố và xác định danh mục các công trình đặc thù cần bảo tồn.

“Việc viết quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cho từng ô phố có ý nghĩa rất quan trọng. Trong mục này cần nêu rõ, cụ thể về kiến trúc ở từng ô phố sẽ quản lý như thế nào (đối với công trình mới, công trình cũ...), về cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng, pa-nô quảng cáo...”, Thứ trưởng bộ Xây dựng nhắc nhở.

Thông Chí