Phở 24 bị “copy” không gian kiến trúc?
“Đại gia” Phở 24 tạo một phong cách trang trí hàng quán riêng, đã đăng ký độc quyền thương hiệu, đăng ký bản quyền bản vẽ thiết kế không gian kiến trúc, nay bỗng có “Thiếu gia” Phở 5 sao cũng có cách bài trí giống hao hao...
Phở 24 đã có bản quyền thiết kế mô hình
Năm 2003, khi gây dựng thương hiệu Phở 24 tại TPHCM, Công ty phở 24 đã đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu này tại Cục Sở hữu trí tuệ. Thương hiệu này cũng được đăng ký độc quyền tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ, Canada và các nước tham gia thỏa ước Madrid.
Cuối năm 2006, Công ty Phở 24 cũng đăng ký và được Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả đối với bản vẽ thiết kế chi tiết mô hình cửa hàng Phở 24.
Trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận có kèm theo hình ảnh chi tiết về cách bài trí, thiết kế biển hiệu và nội thất trong các tiệm phở. Trong đó, có hai loại mô hình bố trí cơ bản dành cho hai loại không gian rộng và không gian hẹp. Toàn bộ 52 tiệm trong hệ thống Phở 24 đều chung một cách bố trí sắp xếp và thiết kế như nhau.
Bà Vũ Đoan Thùy, phòng kinh doanh Công ty Phở 24 cho biết: Từ khi thành lập, chúng tôi đã mời một công ty tư vấn thiết kế vừa thể hiện đặc trưng của phở truyền thống Việt Nam, vừa tạo cho khách cảm giác dễ chịu, ăn ngon miệng trong không gian đó. Đây là nét đặc trưng của Phở 24 để khách đến đây, ngoài việc thưởng thức phở còn được ngắm nhìn anh đầu bếp luôn tay chế biến bên nồi nước phở nghi ngút khói.
Toàn bộ bàn ghế và các trang thiết bị bên trong đều một tông màu chủ đạo là màu đen, tường và các họa tiết trang trí khác màu xanh cốm nhạt. Không gian kiến trúc ấy cũng thể hiện đúng như câu slogan “Sự kết hợp tinh tế”, trong đó thể hiện rõ sự kết hợp giữa phở truyền thống Việt Nam với cách bài trí hiện đại xen lẫn cổ kính.
Giống ... như anh em sinh đôi?
Năm 2006, trên thị trường bỗng xuất hiện Phở 5 sao, với cách bài trí nội thất và đến màu sơn tường và tông màu chủ đạo của bàn ghế, quầy rượu, đèn trang trí đến cách ăn mặc của ông đầu đếp trong các tiệm phở rất giống trong hệ thống Phở 24...
Ngay cả cách trang trí bảng hiệu quảng cáo bên ngoài các tiệm phở cũng dùng tông màu chủ đạo là màu xanh cốm pha màu xanh lá rất giống với Phở 24. Trừ logo, cách thiết kế, sắp đặt, bài trí của Phở 5 sao giống Phở 24 đến khó phân biệt. Nếu không nhìn vào logo trên bảng hiệu, khách hàng có thể nhầm tưởng đây chính là Phở 24 hoặc nếu không cũng phán đoán đây là “hai anh em con chú con bác”.
Tuy nhiên giá cả Phở 5 sao thì khá bình dân (16.000 đồng/tô, trong khi Phở 24 có giá 26.000 đồng). Hiện nay hệ thống Phở 5 sao đã có năm tiệm tại TPHCM, tất cả đều có không gian kiến trúc “hao hao” giống không gian kiến trúc của Phở 24.
“Trong hệ thống cửa hàng Phở 24, bao giờ cũng có lót dưới mỗi tô phở một tấm giấy hình chữ nhật màu xanh cốm tạo nét riêng và cảm giác sạch sẽ, lịch sự cũng bị “nhái”. Tuy nó không cầu kỳ, chúng tôi cũng chưa đăng ký riêng, tuy nhiên trước đó không có phở nào thực hiện, nhưng cũng ăn cắp vụng về rồi thêm vài họa tiết là không thể chấp nhận được”. Bà Vũ Đoan Thùy, Phòng kinh doanh và phát triển phở 24 bức xúc.
Có xâm phạm bản quyền?
Ông Lý Quí Trung, Tổng giám đốc hệ thống Phở 24 khẳng định: “Chúng tôi muốn gây dựng Phở 24 thành thương hiệu phở trong nước và quốc tế. Tuy không sử dụng logo của chúng tôi nhưng việc sử dụng cách sắp xếp thiết kế và bố trí giống hệt như cách thiết kế không gian kiến trúc có thể làm cho khách hàng nhầm lẫn.
Ngoài ra, bản thiết kế không gian kiến trúc này đã được đăng ký bản quyền, do đó việc sử dụng nó cũng là xâm phạm bản quyền. Vì vậy chúng tôi sẽ khiếu nại lên Cục bản quyền để bảo vệ bản quyền đối với không gian kiến trúc trong hệ thống cửa hàng của mình”.
Bà Hoàng Thị Ánh Nga, Giám đốc DN tư nhân Kim Tài (sở hữu hệ thống Phở 5 sao khẳng định): “Chúng tôi xây dựng thương hiệu riêng và cũng đã đăng ký độc quyền thương hiệu Phở 5 sao tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra màu sắc trang trí và biển hiệu cũng đậm hơn của Phở 24, phong cách phục vụ và trang phục của nhân viên cũng khác (màu đỏ).
Việc bài trí nhà hàng thì có thể học hỏi từ nhiều nước khác nhau hoặc từ trong nước. Cụ thể chúng tôi đã học hỏi từ không gian của phố cổ Hà Nội. Điều này pháp luật cũng không cấm. Đây cũng thiết kế phong cách cổ điển xen hiện đại tạo không khí ấm cúng, thân mật theo tiêu chí phở phong cách Việt Nam của phở truyền thống có nguồn gốc từ Hà Nội và Nam Định.
Không gian kiến trúc có được bảo hộ?
Việc sắp đặt và thiết kế không gian kiến trúc thể hiện sự đầu tư về ý tưởng sáng tạo của tác giả. Tuy nhiên, luật sở hữu trí tuệ chưa quy định cụ thể về bảo hộ ý tưởng sáng tạo trong trường hợp này.
Việc sử dụng không gian kiến trúc giống nhau có thể bị coi là xâm phạm bản quyền và cạnh tranh không lành mạnh hay không? Liệu không gian kiến trúc có được coi là một đặc điểm độc quyền gắn liền với thương hiệu hay không, hay bất kỳ ai cũng có thể sử dụng không gian kiến trúc do người khác thiết kế?
Đây là vụ tranh chấp bản quyền khá thú vị và đặt ra vấn đề pháp lý khá mới mẻ trong việc khai thác thương hiệu trong thời kỳ hội nhập.
Theo Thanh Hải
Báo Pháp luật TPHCM