Phiên "quay xe" ngỡ ngàng của chứng khoán ngày đầu áp dụng T+2

Mai Chi

(Dân trí) - Hôm nay, giới đầu tư ngã ngửa khi chứng kiến một phiên giao dịch đầy gay cấn khi thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu áp dụng rút ngắn chu kỳ thanh toán T+2.

Với việc cổ phiếu của nhà đầu tư mua vào ngày thứ năm tuần trước được về tài khoản nhà đầu tư đầu giờ chiều nay, áp lực bán ra cổ phiếu tăng lên ở phiên sáng.

"Tôi dự đoán lực cung phiên chiều sẽ tăng mạnh vì ngoài nguồn cùng T+3 về trong ngày thì chiều này còn cổ phiếu T+2 nữa. Số cổ phiếu giao dịch trong hai phiên 24 và 25/8 là hơn 1,4 tỷ cổ phiếu, giá trị khoảng gần 36.000 tỷ đồng. Bởi vậy nên tôi đã quyết định bán cổ phiếu ngay trong sáng nay" - anh Nguyễn Văn Tuấn, một nhà đầu tư ở TP Vinh (Nghệ An) - chia sẻ.

Có vẻ như khá nhiều nhà đầu tư có tính toán như anh Tuấn. Theo đó, thị trường chứng khoán sáng nay mở gap đã giảm sâu gần 20 điểm và có thời điểm đã thủng cả ngưỡng 1.250 điểm. Diễn biến thị trường nhìn chung rất tiêu cực.

Phiên quay xe ngỡ ngàng của chứng khoán ngày đầu áp dụng T+2 - 1

Diễn biến gay cấn của VN-Index trong ngày đầu rút ngắn chu kỳ thanh toán (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: TradingView).

Đến phiên chiều, áp lực bán đầu phiên vẫn mạnh song điều bất ngờ là nguồn cung cổ phiếu mới đã không gây áp lực thêm trong khi dòng tiền đổ vào mua mạnh.

Hết phiên, chỉ số chính VN-Index được kéo lên 1.270,8 điểm thu hẹp thiệt hại còn 11,77 điểm tương ứng 0,92%. Thanh khoản sàn HoSE dâng lên mức 20.562,31 tỷ đồng - một con số hiếm thấy trong suốt nhiều tháng nay.

HNX-Index giảm 3,96 điểm tương ứng 1,32% còn 295,54 điểm và UPCoM-Index giảm 1,31 điểm tương ứng 1,41% còn 91,57 điểm. Thanh khoản HNX và UPCoM lần lượt đạt 2.601,04 tỷ đồng và 1.051,99 tỷ đồng.

Bức tranh chung của thị trường nhìn chung vẫn bao phủ với sắc đỏ là chủ đạo. Có 748 mã giảm giá, 32 mã giảm sàn, nhưng phía tăng cũng cải thiện với 213 mã, 28 mã tăng trần.

Cổ phiếu dầu khí, phân bón hôm nay tiếp tục thu hút dòng tiền. Trong đó, PVD tăng trần lên 21.500 đồng, PVC tăng trần lên 23.100 đồng, PVB tăng 4,65% và PVS tăng 7,41% . Tại nhóm phân bón, DPM tăng 6,8%; DCM tăng trần lên 37.900 đồng; LAS tăng 2,11%; PCE tăng 0,3%; BFC tăng 4,45%.

Cổ phiếu ngành nhựa cũng diễn biến tích cực: ALT tăng 9,22%; DNP tăng 1,63%; PBP tăng trần; VTZ tăng 5,88%.

Một số cổ phiếu ngành bán lẻ đi ngược thị trường chung, trong đó HTC tăng mạnh 4,87%; HAX tăng 6,12%; ông lớn MWG tăng 2,49%.

Cổ phiếu thuộc nhóm ngành tiện ích như ASP, DNC tăng trần, GAS tăng 2%; CNG tăng 4,96%; PVG tăng 5,04%; PGV tăng 1,21%; PCG tăng 2,74%.

Là nhóm được đánh giá là hưởng lợi khi rút ngắn chu kỳ thanh toán nhưng cổ phiếu ngành chứng khoán hôm nay lại bị chốt lời mạnh. Điều này tương đối dễ hiểu do phần lớn các mã trong nhóm này đã có đà phục hồi tốt thời gian qua.

Nhiều mã trong phiên như BSI, TVB, VDS, APG, AGR, VIX giảm sàn nhưng cuối phiên lại đều đã hồi phục tương đối. Hầu hết cổ phiếu chứng khoán đều đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên. Một số mã đạt được trạng thái tăng giá thời điểm chốt phiên như VCI tăng 1,6%; FTS tăng 0,1%.

Việc rút ngắn thời gian giao dịch được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản thị trường chứng khoán được cải thiện hơn, với ước tính đơn giản là từ 20-25%.

Bên cạnh đó, chia sẻ trên VTV mới đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, HoSE đã báo cáo UBCKNN về việc chốt thời hạn ngày 12/9 để thực hiện giao dịch lô lẻ. Ông Sơn cho rằng đây sẽ là thời điểm chốt cuối cùng sau nhiều lần lùi thời hạn.

Trước đó, HoSE dự kiến áp dụng thay đổi giao dịch lô lẻ trong tháng 7 tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm có xuất hiện một vài lỗi, do đó chưa thể thực hiện được. Trong tháng 7 và tháng 8, HoSE và các công ty chứng khoán đã liên tục thử nghiệm với mục tiêu đảm bảo sự ổn định nhất để tránh rủi ro khi chính thức áp dụng giao dịch.