Thu phí ATM nội mạng: Đến quầy rút tiền cho nhanh?

Cách “đè” người dùng ra thu phí như hiện nay của các NH khiến người ta nghĩ đến câu: “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”.

Thu phí ATM nội mạng: Đến quầy rút tiền cho nhanh?
 
Từ ngày 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được khống chế không quá 1.000 đồng mỗi giao dịch. Sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch và quy định này có hiệu lực từ ngày 1/3/2013.

Phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) đối với thẻ ngoại mạng sẽ mất nhiều nhất 500 đồng cho một giao dịch. Chủ tài khoản muốn in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản sẽ bị thu phí từ 100 đồng đến 500 đồng cho mỗi giao dịch với ATM nội mạng; 300 - 800 đồng nếu giao dịch ATM ngoại mạng.
Mọi giao dịch nội mạng đều mất phí từ 0-15.000 đồng một giao dịch.

Ngoài ra, phí phát hành thẻ cao nhất là 100.000 đồng còn phí thường niên để duy trì tài khoản nhiều nhất là 60.000 đồng một năm. NHNN quy định, trước khi áp dụng biểu phí mới ít nhất 15 ngày, các ngân hàng phải gửi biểu phí dịch vụ thẻ cho NHNN để báo cáo và giám sát và niêm yết công khai cho khách hàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 25/2, bên cạnh những tổ chức phát hành thẻ chấp hành tốt việc xây dựng, báo cáo và niêm yết công khai biểu phí dịch vụ thẻ theo quy định, hiện vẫn còn một số tổ chức phát hành thẻ chưa báo cáo biểu phí dịch vụ thẻ về NHNN.

Trở lại với tâm tư của những người đang dùng thẻ ATM hiện nay. Chị Lê Thị Mai Hương, là viên chức, ở Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Sử dụng dịch vụ của ngân hàng phải trả phí là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, phải nhìn vào thực tế là đồng tiền khách hàng bỏ ra để mua các dịch vụ của ngân hàng đã thực sự xứng đáng? Chẳng phải lấy dẫn chứng đâu xa, ngay Tết nguyên đán vừa rồi, hàng dài người đứng chờ cả buổi mà không rút được tiền để về sắm tết. Thật trớ trêu, tiền của mình mà cứ phải chầu trực như đi xin. Với cung cách phục vụ như vậy liệu ngân hàng có “đền bù” cho khách hàng chi phí thời gian, sức khỏe để đi rút tiền hay không?

Nhiều người cảm nhận, các loại phí phía NH đưa ra cũng mang tính áp đặt. Để hút khách, ban đầu nhiều NH miễn phí, đánh phí thấp để mở tài khoản.  Mà cũng tại dân ta quá tin NH, lúc ký vào hợp đồng giao kèo mở tài khoản đã đặt hết niềm tin nơi NH nên không cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng. Chính vì thế, khi các NH đưa ra các loại phí người dùng ATM mới “té ngửa” không cãi vào đâu được vì nó đã nằm trong hợp đồng từ bao giờ rồi.

Một khía cạnh khác, các NH chủ động kết nối với DN, cơ quan để người lao động phải mở tài khoản ở NH đó. Cơ quan của anh bạn tôi là một ví dụ: Kế toán đề nghị tất cả cán bộ trong cơ quan mở tài khoản tại NH “X” để tiện cho việc chuyển khoản tiền lương, thưởng hàng tháng. Kể ra cách làm này cũng vui. Nếu tháng nào NH chậm gửi tiền thì tạo một hiệu ứng lan tỏa trong toàn cơ quan. Mọi người đi ra, đi vô chờ tin nhắn. Một số người sử dụng dịch vụ tin nhắn để biết số dư tài khoản. Mỗi khi có tiếng “đing đong” báo tin “tiền về” là reo lên “Tin vui bay đến bản làng rồi bà con ơi”. Và cả cơ quan lại được một trận “vỡ òa” vì vui sướng. Một số người chót vay trước để chi tiêu cho sinh hoạt trong tháng thì nháo nhác sắp xếp công việc để còn ra cây ATM rút tiền trả nợ. Số còn lại cũng tính cách chia số dư trong tài khoản của mình để chi tiêu cả tháng.

Có thể thấy, cách làm này khiến cho các “thượng đế” không được lựa chọn NH mình yêu thích. Nhiều người tỏ ra khó chịu với dịch vụ của NH mà mình đang sử dụng nhưng không có lựa chọn thứ hai. Lúc bực mình, nhiều người bảo nhau “Thà phòng kế toán cứ trả tiền như ngày trước còn hay hơn. Bây giờ vừa chậm lương vừa mất công phải ra cây ATM để rút tiền, lại còn phải trả phí”.

Theo phân tích của PGS.TS Trần Hoàng Ngân – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, việc thu phí ATM cần được thực hiện trên cơ sở giải quyết bài toán vĩ mô chung. Đó là vừa đáp ứng quyền lợi của người dùng thẻ và người cung cấp dịch vụ thẻ, máy ATM. Như vậy, hệ thống NHTM phải hy sinh chi phí ban đầu, giống như chi phí đầu tư, chưa thu phí chứ không phải không thu phí người sử dụng thẻ; coi đây là khoản đầu tư dài hạn nhằm tạo uy tín, thương hiệu cho mình. Khi tạo được thương hiệu, uy tín và người dân đã quen với việc sử dụng thẻ thì sau này NH sẽ thu lại nhiều lợi nhuận hơn từ việc người dân mở tài khoản tài khoản tại NH. NHTM phải tạm thời hy sinh khoản chi phí này trong giai đoạn đầu để tạo lập thương hiệu, uy tín và giúp người dân quen dần với việc sử dụng thẻ thanh toán.

Ngược lại, phía Nhà nước, NHNN cũng phải có cơ chế hỗ trợ các NHTM (tái cấp vốn, lãi suất cho vay…) giúp NHTM hiện đại hóa máy móc thiết bị của mình từ nguồn vay quốc tế như WB). Chính quyền địa phương cũng phải hỗ trợ các NHTM về nơi lắp đặt máy móc, bảo vệ an toàn, trật tự xã hội. Phải giải quyết bài toán vĩ mô này thì các NHTM không thấy thiệt thòi, chứ giờ cứ bắt các NH đầu tư rồi không cho thu phí. Phải có cơ chế hỗ trợ trở lại để các NHTM đáp ứng sự tiện lợi hơn cho người sử dụng.

Theo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 25/2, đối với phí rút tiền mặt ATM nội mạng, nhiều tổ chức phát hành thẻ áp dụng mức phí 0 đồng/giao dịch, 02 tổ chức phát hành thẻ áp dụng mức phí từ 200 đồng đến 500 đồng/giao dịch và 10 tổ chức phát hành thẻ áp dụng mức phí tối đa 1.000 đồng/giao dịch.

Chúng tôi đem những câu chuyện nhỏ này ra để các NH cùng đọc và cùng ngẫm xem liệu cách làm, cách cung cấp dịch vụ hiện nay đã thực sự đủ “chuẩn” để thu phí của người dùng hay chưa? Những hiện tại, theo chúng tôi được biết, cách nhiều người sẽ lựa chọn thời gian tới là đến NH rút tiền, khỏi rút qua máy.
 
Theo Vũ Hạnh
VOV