Phi công bay “giải cứu”: Người Việt lẻ loi ở Vũ Hán vắng lặng!
(Dân trí) - “Nhìn người Việt đứng lẻ loi dưới sân bay vắng vẻ, lạnh lẽo, có nhiều trẻ nhỏ, có em bé còn đang phải bế ngửa… Cảm xúc rất khó tả, tôi chỉ muốn đưa mọi người về nước an toàn và càng nhanh càng tốt”.
Phi công cơ trưởng Hoàng Đình Trang (sinh năm 1979) - Phó Đội trưởng Đội bay Airbus 321, Đoàn bay 919 Vietnam Airlines, người trực tiếp chỉ huy chuyến bay VN68 - đã chia sẻ với PV Dân trí như vậy sau chuyến bay “giải cứu” công dân Việt Nam ngày 10/2, tại Vũ Hán - Trung Quốc.
Vũ Hán vắng vẻ, lạnh lẽo!
- Phóng viên: Vũ Hán vốn là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất khu vực và thế giới. Hình ảnh sân bay Vũ Hán trước đây và sân bay Vũ Hán trong chuyến bay mà anh đã nhìn thấy vừa qua khác nhau như thế nào?
- Cơ trưởng Hoàng Đình Trang: Tôi được thông báo đi làm nhiệm tại Vũ Hán vào chiều ngày 7/2. Vietnam Airlines từng thực hiện rất nhiều chuyến bay “giải cứu” công dân Việt Nam tại những vùng chiến sự, bất ổn chính trị trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên bay tới vùng dịch bệnh, cũng là lần đầu tiên tôi được phân công nhiệm vụ điều hành chuyến bay “giải cứu” công dân, khi nhận nhiệm vụ tôi cũng khá bất ngờ.
Khi bay tới Vũ Hán trong chuyến vừa qua tôi mới cảm nhận hết sự ảnh hưởng của dịch bệnh tới khiếp như thế nào. Sân bay vắng vẻ, lạnh lẽo, không có ai cả. Chuyến bay hạ cánh khoảng 1h sáng giờ địa phương, trời tối.
Đây vốn là sân bay rất tấp nập, trước đây hội thoại giữa phi công và kiểm soát viên không lưu tại Vũ Hán diễn ra liên tục, mỗi phút có tới 5-6 hội thoại, máy bay này nối đuôi máy bay khác. Nhưng trong chuyến bay vừa qua, cả sân bay Vũ Hán chỉ có máy bay của Vietnam Airlines và 1-2 chuyến bay của Trung Quốc đang chuẩn bị cất cánh rời đi.
Khi bắt đầu hạ cánh xuống Vũ Hán tôi chỉ hơi ngạc nhiên vì sân bay khác thường ngày, nhưng khi máy bay lăn vào sân đỗ thì sự vắng vẻ, lạnh lẽo tại đây khiến cảm xúc của tôi rất khó tả. Dưới mặt đất, phía Trung Quốc chỉ có vài người đón đoàn, còn lại là toàn bộ phi hành đoàn của Việt Nam.
- Cảm xúc của anh như thế nào khi nhìn thấy hàng chục người đồng hương của mình đang chờ sẵn ở Vũ Hán, mong đợi máy bay đến để được đón về nước?
- Tới sân bay Vũ Hán, nhìn những người Việt đứng lẻ loi dưới sân bay vắng lặng, có nhiều trẻ nhỏ, có em bé còn đang phải bế ngửa… Tôi không biết diễn tả cảm xúc của mình như thế nào, rất đặc biệt. Tôi chỉ biết mình rằng đồng cảm với họ và mong muốn đưa mọi người về nước an toàn và càng nhanh càng tốt.
Khi mọi người lên máy bay, tổ tiếp viên phát thanh gửi tới những người Việt tại Vũ Hán lời chào ấm áp, hướng dẫn họ về an toàn bay. Mọi thủ tục hoàn thất, tôi nhanh chóng điều khiển chuyến bay cất cánh rời Vũ Hán, đưa những công dân Việt Nam trở về quê nhà.
- Trong tổ lái có 2 cơ trưởng và 1 cơ phó, nhưng anh là người chỉ huy cao nhất của chuyến bay đặc biệt này. Anh đã điều hành chuyến bay như thế nào?
- Đúng vậy, đây là chuyến bay theo tiêu chuẩn. Việc điều hành, phân công nhiệm vụ được triển khai theo các quy định rõ ràng. Chuyến bay khứ hồi chỉ mang 1 số hiệu là VN68.
Tổ lái có 2 cơ trưởng, 1 cơ phó. Cơ trưởng thứ hai là anh Phùng Thiên Quân - một giáo viên huấn luyện bay lâu năm, giàu kinh nghiệm. Chặng từ Hà Nội đi Vũ Hán, anh Phùng Thiên Quân lái chính, chặng Vũ Hán về nước thì tôi là người điều khiển. Tôi với anh Quân học bay cùng lớp trước kia, nay cả 2 có cơ hội ngồi chung 1 tổ lái, thực hiện cùng một nhiệm vụ rất đặc biệt. Tổ lái có 3 người nên việc giám sát lẫn nhau chặt chẽ hơn.
Tổ tiếp viên được lựa chọn cũng đều là những người có kinh nghiệm, sức khỏe và chuyên môn tốt. Trên chuyến bay không có tiếp viên nữ, vì chặng bay tới Vũ Hán có vận chuyển nhiều hàng cứu trợ của Chính phủ Việt Nam và hãng bay, do đó các nhân sự nam có thể tham gia việc bốc xếp hàng hóa xuống sân bay tốt hơn.
Khi thực hiện chuyến bay này, mặc trên người bảo hộ đặc chủng 2 lớp rất khó chịu, trên máy bay bật 26 độ C nên cũng nóng. Theo kế hoạch, có phương án phi hành đoàn phải đóng bỉm để xử lý trường hợp phát sinh, nhưng thời gian bay không dài nên phương án này không phải sử dụng đến, mọi người đều khắc phục được.
Nhà chức trách sân bay Vũ Hán cũng yêu cầu máy bay chỉ lưu lại từ 1-1,5 tiếng để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, vì vậy phi hành đoàn đã triển khai công việc diễn ra rất khẩn trương và nhanh chóng.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng lên đường!”
- Anh có lo nghĩ khi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ Vũ Hán rất cao và thực hiện nhiệm vụ trở về sẽ phải cách ly với gia đình, người thân, xã hội?
- Cơ trưởng Phùng Thiên Quân: Đối với phi công Đoàn bay 919, nhận lệnh lúc nào đều không quan trọng với chúng tôi, vì chúng tôi sẵn sàng cất cánh mọi lúc và mọi nơi khi được lệnh, đó là trách nhiệm và nhiệm vụ của chúng tôi.
Chúng tôi hoàn toàn không lo lắng về vấn đề virus sẽ lây lan cho chúng tôi mà thật sự lo lắng về vấn đề có đưa được các công dân của Việt Nam về nước được hay không. Bởi vậy, khi nhận được đủ 30 công dân trên máy bay và xin phép đóng cửa chúng tôi mới phần nào thở phào nhẹ nhõm để khởi hành trở về ngay lập tức.
Chúng tôi hiểu được nghĩa vụ của mình phải xa gia đình và xã hội trong 1 thời gian, thậm chí có thể bị nhiệm bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi đều có gia đình hậu thuẫn và động viên, vì đây là chuyến bay có mục đích và ý nghĩa đặc biệt, chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm để tập trung tốt nhất cho chuyến bay.
- Với cảm quan của cá nhân anh, chuyến bay này có thời gian di chuyển dài hơn hay ngắn hơn so với khi bay thường lệ?
- Thời gian bay tuy không dài, chỉ vẻn vẹn 1 đêm, nhưng thật sự tôi rất mong qua nhanh để công dân được gặp mặt gia đình. Chúng tôi hiểu được phần nào nỗi mong chờ của họ khi được trở về nước để đoàn tụ với gia đình nên cảm giác chuyến bay thật sự dài hơn so với chuyến bay khác.
Tôi cũng thật sự rất vui và cảm động khi biết được tất cả 30 công dân Việt Nam đều trong tình trạng sức khoẻ rất tốt, phi hành đoàn cũng đang trong tình trạng sức khoẻ tốt.
Phi công Đoàn bay 919 nói riêng và phi công Vietnam Airlines nói chung luôn sẵn sàng, hết lòng phục vụ khi cần, đó là trách nhiệm và nhiệm vụ của chúng tôi.
- Xin cảm ơn các anh đã chia sẻ!
Châu Như Quỳnh