Phí ATM: Thua lỗ, “đè đầu” thượng đế!

Theo các chuyên gia kinh tế, khoản thu phí ATM nội mạng chưa hợp lý và ngân hàng có thể sẽ “trả giá”.

Theo nhiều doanh nghiệp (DN), các ngân hàng (NH) thương mại cung cấp dịch vụ thẻ ATM đã thu được một nguồn tiền khá dồi dào từ người dùng thẻ, DN với lãi suất thấp nên không thể “đòi” tăng phí, thu thêm nhiều loại phí…
 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Trút gánh nặng lên chủ thẻ
 
Thực tế, “miếng bánh” cung cấp dịch vụ thẻ ATM đã được chia phần từ lâu nên NH nào “sinh sau đẻ muộn” sẽ khó có phần lợi ích. Vì vậy, các NH nhỏ gia nhập mảng dịch vụ thẻ sau này thường bị thua lỗ, không hào hứng đầu tư thêm máy ATM nhưng vẫn không ngừng phát hành thẻ, chạy đua tìm kiếm khách hàng mở thẻ mới… Kết quả, dịch vụ ATM tại một số NH ngày càng xuống cấp, máy ATM thường hết tiền, ngừng giao dịch, buộc khách hàng phải sang máy ATM của NH khác rút tiền.

Lãnh đạo phụ trách phòng ATM của một NH tại TPHCM cho biết NH thường căn cứ vào số lượng thẻ phát hành để đầu tư máy ATM. Chẳng hạn, 2.000 thẻ ATM/máy ATM là mức hợp lý để tránh tình trạng quá tải. “Nhưng hiện một số NH kinh doanh dịch vụ thẻ thua lỗ nên muốn tăng phí giao dịch nội mạng để bù đắp chi phí, chẳng khác nào “đổ đầu” chủ thẻ” -  trưởng phòng này thừa nhận.

 Tại bản giải trình dự thảo thông tư thu phí ATM của NH Nhà nước, cơ quan này cho rằng việc thu phí nhằm hài hòa lợi ích giữa khách hàng và NH, bảo đảm mức phí từng bước phù hợp và giúp NH phần nào chi phí đầu tư, vận hành hệ thống cung ứng dịch vụ thẻ, có động lực để tiếp tục đầu tư…

Tuy nhiên, theo nhiều DN và chủ thẻ, các NH đã hưởng không ít lợi ích từ dịch vụ thẻ của khách hàng. Mỗi chủ thẻ phải để dư tối thiểu 50.000 đồng trong tài khoản, nếu tài khoản còn dưới 100.000 đồng sẽ không thể rút tiền. Khách hàng đều bị giới hạn số tiền rút/lần, số tiền rút tối đa/ngày, hạn mức chuyển khoản… Nếu bị thu phí, khách hàng giao dịch càng nhiều lần sẽ càng tốn phí. Lúc này, ích lợi dùng thẻ ATM của công nhân, sinh viên là tiết kiệm tiền trong thẻ sẽ trở thành… bất lợi khi mất phí nhiều hơn.

Theo giám đốc điều hành một DN ngành giấy, DN ông trả lương 2 lần/tháng và thường chuyển tiền cho NH trước 2-3 ngày phát lương. Với số tiền này, DN chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn thấp, còn NH có thể đem cho vay với lãi suất rất cao. Chưa kể, chỉ có công nhân lương vài triệu đồng/tháng là rút hết tiền khi nhận lương, còn hàng ngàn chủ thẻ khác thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, họ ít rút hết một lần. Khi đó, NH toàn quyền sử dụng số tiền của chủ thẻ trong tài khoản ATM mà chỉ trả lãi thấp…

Đừng thêm gánh nặng cho khách hàng!

Thực tế, từ khi có chính sách khuyến khích trả lương qua thẻ, nhiều DN ký kết với NH hưởng ưu đãi trong các dịch vụ với NH, còn người lao động không có lựa chọn nào khác. Đến ngày lãnh lương, họ phải xếp hàng dài chờ rút tiền trước máy ATM; cứ dịp lễ, Tết máy ATM lại hết tiền, nghẽn mạng... Nhiều công nhân chỉ muốn nhận lương bằng tiền mặt một lần nhưng vẫn phải xếp hàng chờ rút tiền hằng tháng…Và với những công nhân, sinh viên nghèo…, mức phí vài ngàn đồng/lần giao dịch là khoản tiền đáng kể.

Theo một chuyên gia kinh tế, khoản thu phí ATM nội mạng chưa hợp lý và NH có thể sẽ “trả giá” bằng những chi phí tốn kém hơn. Chẳng hạn, khi NH thu phí, chủ thẻ không muốn tốn tiền sẽ vào NH để rút tiền mặt. Khi đó, NH sẽ tốn tiền giấy, tốn nhân lực phục vụ. Chi phí này có lẽ nhiều hơn số tiền phí giao dịch ATM thu được.  “Có thể trong giai đoạn khó khăn, các NH cố gắng thu phí thật nhiều để bù đắp khoản lỗ trong hoạt động chung nhưng thu phí nội mạng thì không hợp lý chút nào” - chuyên gia này nhận xét.
 
Theo Thái Phương
Người Lao Động