1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Phê chuẩn quyết toán ngân sách 2020, làm rõ vi phạm trong sử dụng ngân sách

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Quốc hội đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước niên độ ngân sách Nhà nước năm 2020.

Phê chuẩn quyết toán ngân sách 2020, làm rõ vi phạm trong sử dụng ngân sách - 1

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 với đa số phiếu tán thành (Ảnh: Quốc Chính).

Với 453/458 đại biểu tán thành, sáng nay (15/6) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 2.279.735.577 triệu đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2019 chuyển sang năm 2020, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2019, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 2.352.929.840 triệu đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021.

Bội chi ngân sách Nhà nước là 216.405.589 triệu đồng, bằng 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 178.515.161 triệu đồng, vay ngoài nước 34.573.432 triệu đồng.

Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 436.059.742 triệu đồng.

Tại Nghị quyết, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ trong trường hợp phát hiện các khoản quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước niên độ năm 2020 không đúng quy định, yêu cầu xuất toán, cắt giảm, hủy bỏ, thu hồi ngay về ngân sách nhà nước để tăng thu, giảm bội chi, tăng chi trả nợ ngân sách Nhà nước, báo cáo Quốc hội khi quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Quốc hội cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc huy động, quản lý các khoản vốn vay bù đắp bội chi, chi trả nợ gốc, trả nợ lãi, tạm ứng chi ngân sách Nhà nước; kiểm soát bội chi, nợ công để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo tính hiệu quả hoạt động của các quỹ, không trùng lặp nhiệm vụ của ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí, dàn trải và phân tán nguồn lực của Nhà nước.

Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước niên độ ngân sách Nhà nước năm 2020 và việc không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách Nhà nước từ năm 2019 trở về trước theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Sau rà soát, cần báo cáo Quốc hội kết quả xử lý vi phạm và việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước các năm trước khi trình báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ và xem xét xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và tổng hợp kết quả báo cáo Quốc hội; Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.

Nghị quyết đã giao Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm toán khoản 1.150.195 triệu đồng dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2021 để xử lý theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước trong trường hợp phát hiện các khoản không đúng quy định hoặc đã hết thời gian thực hiện và giải ngân theo quy định khi quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 theo quy định tại Điều 73 của Luật Ngân sách Nhà nước...