Phát hiện nhiều vi phạm tại Công ty SASCO

(Dân trí) - Trong kết luận mới được công bố, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ các vi phạm của SASCO – công ty con của ACV giai đoạn 2005-2015. Chủ tịch HĐQT Công ty SASCO (từ tháng 4/2017) là ông Jonathan Hạnh Nguyễn.

Phát hiện nhiều vi phạm tại Công ty SASCO - 1

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Bên cạnh việc vạch ra nhiều sai phạm của ACV trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản; sử dụng đất và cổ phần hóa, thoái vốn… Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ các vi phạm của SASCO – công ty con của ACV giai đoạn 2005-2015.

Hiện tại, nhóm các công ty liên quan đến vợ chồng ông Hạnh Nguyễn (gồm IPP Group, ACFC, DAFC) sở hữu tổng cộng 43,7% cổ phần của SASCO.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, SASCO đã đầu tư vốn thành lập Công ty Liên doanh Nhà Viethaus tại Đức (liên doanh giữa SASCO và Công ty H.M.SKY Gmbh - Đức) từ năm 2005 đến 2015. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không có hiệu quả, lỗ lũy kế đến 31/12/2015 là hơn 13,4 triệu Euro, các mục tiêu kinh tế của dự án chưa đạt được và khó có khả năng thu hồi vốn đầu tư và các khoản nợ với số tiền là hơn 9,6 triệu euro, tương đương gần 61,96 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra SASCO còn được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê 131,12 ha đất lâm nghiệp rừng phòng hộ môi trường cảnh quan để triển khai Dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa nhưng công ty này không triển khai.

Đồng thời, công ty cũng chưa làm thủ tục miễn giảm thuế nhưng đã được Chi cục Thuế TP. Đà Lạt miễn tiền sử dụng đất trái thẩm quyền, làm thất thu ngân sách Nhà nước hơn 1,54 tỷ đồng.

Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo thu hồi dự án vì thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng là của Thủ tướng, nhưng đến nay chưa được các cơ quan liên quan thực hiện. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Lâm Đồng, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Thuế thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

SASCO cũng chưa thực hiện đúng quy định trong việc phối hợp với cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2001 đến 2016 với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Về hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh, SASCO đã thiếu kiểm tra, nghiệm thu để xác định đúng các khoản thu về cấp bù doanh thu năm 2015 của IPP Group Pte Ltd Singapore, dẫn đến giảm doanh thu năm 2015 với giá trị 920 nghìn USD, tương đương hơn 20,6 tỷ đồng (tỷ giá 22.470 đồng/USD), thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp 4,5 tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trách thuộc về Tổng giám đốc SASCO. Tại ngày 3/5/2017, SASCO đã khắc phục và thu được số tiền trên.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ những vi phạm của SASCO trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

Cụ thể, Công ty đã thiếu kiểm tra, giám sát để Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam đánh giá lại một số tài sản sai quy định, dẫn đến làm giảm vốn Nhà nước khi cổ phần hóa số tiền gần 13 tỷ đồng. Việc quyết toán cổ phần hóa SASCO bị chậm theo Thanh tra Chính phủ là do UBND TP.HCM chưa ban hành quyết định giá đất để xác định giá trị sử dụng hơn 27.992,4 m2 đất khi cổ phần hóa. Việc quyết toán cổ phần hoá SASCO chậm là do UBND TP. HCM chưa ban hành quyết định giá đất để xác định giá trị sử dụng 27.992,4m2 đất khi cổ phần hoá.


Ông Jonathan Hạnh Nguyễn- một doanh nhân khá nổi tiếng

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn- một doanh nhân khá nổi tiếng

Để khắc phục các vấn đề nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi và giao đất quản lý 131 ha của dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Suối Hoa.

UBND TP.HCM cũng được kiến nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát để kịp thời ban hành giá đất, hoàn thành thủ tục giao đất (tại Hồng Hà và 10.316 m2 đất tại xã Xuân Thới, Hóc Môn) để quyết toán cổ phần hóa tại SASCO.

Nêu ý kiến chỉ đạo đối với vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã giao Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát lại việc chuyển đổi dự án Suối Hoa. Đồng thời yêu cầu cần xác định rõ những vi phạm, kiến nghị hình thức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo quy định.

Về dự án Viethaus (Liên doanh giữa SASCO và Công ty H.M.SKY Gmbh), Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xem xét đánh giá hiệu quả dự án, đề xuất phương xử lý, báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 1/2018.

Được biết, ông Jonathan Hạnh Nguyễn được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty SASCO kể từ ngày 20/4/2017. Vợ ông Hạnh, bà Lê Hồng Thủy Tiên, hiện giữ chức vụ Tổng giám đốc Cty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group), cũng là thành viên HĐQT SASCO kể từ cuối năm 2014 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa.

Hiện tại, nhóm các công ty liên quan đến vợ chồng ông Hạnh Nguyễn (gồm IPP Group, ACFC, DAFC) sở hữu tổng cộng 43,7% cổ phần của SASCO. Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu 49,8% cổ phần.

SASCO hiện là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với các nguồn thu chính gồm: kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách sân bay, bán lẻ tại trung tâm thương mại…

Năm 2016, tổng doanh thu của SASCO đạt 2.275 tỷ đồng, lợi nhuận gộp cả năm 2016 là 887 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của SASCO năm 2016 là 234 tỷ đồng.

Doanh thu của SASCO năm 2016 tới từ hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế (48%), kinh doanh bán lẻ và hàng hóa khác (27%), và kinh doanh dịch vụ (25%).

Nguyễn Khánh