Phần nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong thực hiện sản xuất sạch hơn
(Dân trí) - “Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong thực hiện sản xuất sạch hơn, có hiện tượng nhà tư vẫn phải thuyết phục doanh nghiệp làm sản xuất sạch hơn…”
Đó là chia sẻ của ông Cù Huy Quang, Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương) tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và Phát động Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 do Bộ Công Thương tổ chức tại Đà Nẵng, sáng 20/11.
Hội nghị nhằm tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong nghiệp đến năm 2020 và phát động Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg 7/9/2009.
Chiến lược đã xác định mục tiêu sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: “Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Công Thương với vai trò đơn vị chủ trì thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và đặc biệt là phối hợp với các Sở Công Thương triển khai hàng loạt các hoạt động từ cấp trung ương đến địa phương. Trong đó, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chiến lược và các tỉnh, thành phố đều có Trung tâm sản xuất sạch hơn, khuyến công, tiết kiệm năng lượng. Đó là tiền đề rất quan trọng để nối tiếp các hoạt động sản xuất sạch hơn, tiêu dùng bền vững sau này".
Ông Cù Huy Quang, Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, sau 10 năm thực hiện, Chiến lược sản xuất sạch hơn đã được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả. Theo đó, Bộ Công thương đã thực hiện đánh giá nhanh cho hơn 410 doanh nghiệp, đánh giá chi tiết cho hơn 100 doanh nghiệp; các địa phương hỗ trợ đánh giá nhanh cho 335 doanh nghiệp, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch cho 88 doanh nghiệp.
Tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn từ 55% giai đoạn 2010-2015 tăng lên 68,5% giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ áp dụng cơ sở sản xuất sạch hơn từ 24% đoạn 2010-2015 tăng lên 46,8% giai đoạn 2016-2020…
Tuy nhiên, theo ông Quang, bên cạnh những thuận lợi, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cũng gặp những khó khăn. Theo đó, phần nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong thực hiện sản xuất sạch hơn, có hiện tượng nhà tư vẫn phải thuyết phục doanh nghiệp là sản xuất sạch hơn.
Các doanh nghiệp thiếu nguồn tài chính để đầu tư, thực hiện các giải pháp đầu tư lớn. Số lượng chuyên gia thực sự giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm không nhiều, nhiều chuyên gia sau khi được đào tạo thì chuyển công tác khác, nghỉ hưu. Chưa có cơ chế tài chính ưu đãi và ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các dự án sản xuất sạch hơn.
“Không bắt buộc, chưa có hệ thống chứng nhận doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn làm động lực cho các doanh nghiệp cũng là một những khó khăn của Chiến lược sản xuất sạch hơn”, ông Quang nhấn mạnh.