ĐBSCL:

Phần lớn nông dân chưa nhận thức đầy đủ về GAP

(Dân trí) - Ông Võ Văn Hoài (Viện Cây ăn quả miền Nam) đánh giá: “ĐBSCL có tiềm năng phát triển cây ăn quả nhưng vẫn chứa đựng nhiều bất ổn, thiếu tính bền vững vì phần lớn người dân chưa hiểu hết khái niệm về GAP”.

Phần lớn nông dân chưa nhận thức đầy đủ về GAP  - 1
ĐBSCL là một thị trường đầy tiềm năng về trái cây nhưng cần thực hiện GAP để đạt hiệu quả cao hơn.

Theo ông Hoài, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà đóng gói trái cây, cơ sở hạ tầng nông thôn còn quá yếu kém đã làm trở ngại cho việc mở rộng mô hình GAP (Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhất); công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng cây giống kém chất lượng hoặc không sạch bệnh được bán tràn lan, mất kiểm soát.

“Phần lớn người trồng cây ăn quả chưa có khái niệm thế nào là sản xuất theo GAP mà chủ yếu chỉ trồng theo kinh nghiệm; tỷ lệ nhà vườn sử dụng cầu cá để đi vệ sinh chiếm tỷ lệ trên 50%, đây là nguy cơ báo động gây ô nhiễm về mặt sinh học cho nguồn nước” - ông Hoài nhìn nhận.

Ngoài ra, các nhà vườn không có chỗ thu gom rác thải, nguồn nước tưới tiêu có nguy cơ ô nhiễm về hóa học và sinh học, không có kho giữ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không được tập huấn về GAP, chưa có biện pháp đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm sau thu hoạch…

Trong khi đó, khi gia nhập WTO, ngành trái cây Việt Nam phải cạnh tranh gắt gao với trái cây nhập khẩu khi hàng rào bảo hộ thuế giảm xuống.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thời gian qua do chạy theo số lượng và chủng loại, nhiều nông dân sử dụng thiếu cân nhắc các hóa chất trong nông nghiệp, xem nhẹ an toàn vệ sinh trong sản xuất làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, ô nhiễm môi trường, nông nghiệp phát triển thiếu tính bền vững.

Cũng theo ông Sơn, việc áp dụng VietGAP trong sản xuất rau quả góp phần đảm bảo sức khỏe nhân dân, mở rộng phát triển thị trường nội địa và quốc tế, nâng cao hiệu quả và phát triển mô hình sản xuất rau, quả bền vững nhưng nhiều cá nhân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về GAP.

Ông Võ Văn Hoài cho rằng, việc thực hiện tiêu chuẩn VietGAP không khó vì những công việc này nông dân đã và đang thực hiện. “Cái khó là làm thế nào để người nông dân ý thức được sản xuất phải an toàn” - ông Hoài nói.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm