Phân bón giả: Mắt thường nhìn cũng thấy sao xử lý khó thế?

(Dân trí) - "Phân bón giả hiện nay, phía lực lượng quản lý thị trường biết hết nhưng xử lý được hay không lại là chuyện của sự phối hợp các cơ quan với nhau. Nhìn vào nhà xưởng sản xuất phân bón mà chỉ có tấm tôn rách nát, vài cái cuốc, cái xẻng thì bằng mắt thường ai cũng biết là đó là sản xuất phân không đủ tiêu chuẩn, phân bón giả"

Đây là khẳng định của ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thường tại Hội thảo Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Hùng, hiện tại theo quy định của pháp luật thì hai Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đều quản lý cấp phép và kiểm soát chất lượng phân bón. Lực lượng quản lý thị trường ở địa phương cũng tham gia vào quá trình kiểm tra ở địa phương.

Thị trường phân bón Việt Nam bao giờ mới được lập lại trật tự? Đây là món nợ lớn của những người quản lý nông nghiệp đối với những người nông dân một nắng hai sương.
Thị trường phân bón Việt Nam bao giờ mới được lập lại trật tự? Đây là món nợ lớn của những người quản lý nông nghiệp đối với những người nông dân một nắng hai sương.

Ông Hùng khẳng định là các cơ quan chức năng đều biết ở đâu làm phân bón giả, đâu làm phân bón thật nhưng xử lý vẫn khó khăn. "Nhà xưởng đăng ký sản xuất vài trăm m2, các địa phương xã - phường cấp phép đều biết hết, lực lượng quản lý thị trường biết hết nhưng xử lý được hay không lại là chuyện của sự phối hợp các cơ quan với nhau. Nhìn vào nhà xưởng sản xuất phân bón mà chỉ có tấm tôn rách nát, vài cái cuốc, cái xẻng thì bằng mắt thường ai cũng biết là đó là sản xuất phân không đủ tiêu chuẩn, phân bón giả. Còn khi xác định tính pháp lý đó là phân bón giả thì rất phức tạp", ông Hùng nói.

Ông này cho hay để chứng minh doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, phải có kiểm định, giám định phân bón để xác định giả hay thật. Đây là khâu khó khăn nhất hiện nay. Cơ chế hiện nay là không phải ai cũng được đi lấy mẫu xét nghiệm. Phải là những cơ quan được giao nhiệm vụ, những người có thẩm quyền. Tuy nhiên, những cơ quan lấy mẫu và đi kiểm nghiệm lại không phối hợp với các cơ quan khác trong xử lý phân bón giả.

"Tôi nhiều lần chứng kiến, cùng mẫu kết quả ấy, khi kiểm định phân bón giả lần thứ nhất kết quả khẳng định là phân bón giả nhưng khi đem kết quả đó đi kiểm định lần thứ hai lại cho là phân bón thật. Không hiểu sai số ở máy móc hay ở đâu mà cho kết quả khác nhau như vậy?", ông Hùng cho hay.

Theo các chuyên gia, tình trạng trên là do quy định phải có cơ quan kiểm định Nhà nước, quản lý mới xác định đó là phân bón giả, trong khi đó các tổ chức kiểm nghiệm không thừa nhận kết quả của các Viện kiểm nghiệm độc lập, thuộc cơ quan khác.

Ông Hùng cho biết, do việc quản lý chồng chéo, quy định không công nhận kiểm định chất lượng độc lập do đó chống nạn phân bón giả thời gian qua còn có tình trạng nể nang, bao che, buông lỏng hoặc né tránh của cơ quan chức năng.

"Tất cả các vụ việc phát hiện phân bón giả đều là do cơ quan báo chí, cứ qua thông tin báo đài thì các vụ việc mới được phát hiện. Đó là bức tranh chung để thấy được thực tế những bất cập hiện nay", ông Hùng nói.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới: Phân bón giả, kém chất lượng hoành hành trở thành vấn nạn là do chúng ta chưa có giải pháp chống tiêu cực.

Ông Nghĩa ví dụ: "Vụ phân bón giả của Công ty Thuận phong, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều loan tin, vi phạm rõ ràng, Văn phòng Chính phủ 4 lần ra văn bản nhưng đến nay chỉ bị xử phạt hành chính. Việc khám xét nơi đây không dễ bởi công ty này nằm trong đại bản doanh của một khu quốc phòng, quản lý thị trường và các lực lượng ngoài làm gì được quyền vào khám xét".

Sau những vụ việc xử lý phân bón có dấu hiệu "chìm xuồng" thời gian qua, tôi cho rằng, chúng ta đang nợ người nông dân một câu trả lời, một hành động cụ thể, họ đã quá khổ và vất vả rồi.

"Muốn chống phân bón giả, phải có con người thật, phải có người có tâm và có tài, chứ không nhiều vụ việc khi bị xử lý qua loa, được vỗ tay ào ào rồi đâu lại vào đấy. Hãy đừng tăng trưởng ngành phân bón nữa vì số lượng công ty làm phân bón quá nhiều rồi mà hãy tăng trưởng "niềm tin người nông dân" bằng chính hành động, đừng hứa suông", ông Nghĩa nói.

Nguyễn Tuyền