“Phải sống để trả lãi ngân hàng”

Dù kinh doanh đang trong tình trạng thua lỗ, số lượng xe nằm nhà nhiều hơn xe chạy nhưng phải gắng gượng sống, gắng gượng “cày” để còn lấy khoản này đắp khoản kia… nhằm trả lãi cho ngân hàng. Phá sản thì lấy đâu ra tiền để trả lãi ngân hàng nữa.

Khá gay gắt tại hội nghị bàn về thu phí bảo trì đường bộ tổ chức tại TP.HCM tuần qua, chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Đà Nẵng, Trần Viết Hoè nói, doanh nghiệp đang phải thắt lưng buộc bụng để nâng cao sức cạnh tranh. Vì vậy nếu sắp tới, thu phí bảo trì đường bộ sẽ làm giá cả leo thang đồng nghĩa với việc tạo ra sự bất an trong xã hội.

 

“Phải sống để trả lãi ngân hàng”
Ngay cả lao động cần nhất trong vận tải hàng hoá bằng container là tài xế có bằng FC cũng không còn tiền để “nuôi”.

 

Trao đổi thêm với phóng viên sau hội nghị, ông Hoè cho biết: Chưa tính các loại phí chuẩn bị đóng, chỉ việc dự tính tăng mức thu ở các trạm thu phí theo đề xuất của bộ Giao thông vận tải, cùng với các loại phí, thuế như hiện nay cũng đủ “giết chết” hàng loạt doanh nghiệp vận tải. Điều đáng nói là trong khi sản lượng vận chuyển hàng hoá giảm thì chi phí đầu vào như thuế, lãi suất ngân hàng, các loại phí, xăng dầu... lại tăng chóng mặt. Thực tế hiện nay, dù thua lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp muốn tuyên bố phá sản cũng không dễ.

 

Vậy để sống được, các doanh nghiệp vận tải hàng hoá ở Đà Nẵng đã làm gì, bản thân doanh nghiệp của ông áp dụng giải pháp cụ thể nào để vượt qua khó khăn?

 

Ngoài cương vị là chủ tịch hiệp hội, tôi còn tham gia một doanh nghiệp vận tải hàng hoá. Doanh nghiệp của tôi cũng đang nằm trong tình trạng khó khăn chung như các doanh nghiệp khác. Do đó, chúng tôi phải tiết kiệm, kể cả cắt giảm chi phí quản lý. Bên cạnh đó chúng tôi động viên, thuyết phục người lao động trong tình hình khó khăn như hiện nay thì lương có thể giảm, mong họ thông cảm. Đến lúc không thông cảm được nữa đành phải chia tay nhau.

 

Theo tìm hiểu của tôi, để sống được tới thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải hàng hoá phải cắt giảm tối đa tất cả các loại chi phí về nhân sự, về địa điểm đặt trụ sở… Thậm chí đến ngay cả lao động cần nhất trong vận tải hàng hoá bằng container là tài xế có bằng FC cũng không còn tiền để “nuôi” họ nên đành phải để họ ra đi.

 

Đối với chủ hàng thì “lật bài ngửa”: hai bên cùng lùi xuống ở một khoảng nào đó có thể chấp nhận được, để cùng nhau hoạt động được dù là hoà vốn. Cũng đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau. Cụ thể, để giành mối hàng, có doanh nghiệp “đao” giá xuống dưới giá thành.

 

Thường một xe đầu kéo phải có hai tài xế, bây giờ cắt giảm, vậy liệu có quá nguy hiểm?

 

Đúng, một xe container phải có hai tài xế mới đảm bảo an toàn trong việc tham gia giao thông cũng như hàng hoá. Có điều bây giờ khó quá thì phải đành liều, phải thả tay để chấp nhận sự may rủi của “số phận”.

 

Ai cũng biết “xây thì khó, đập thì dễ”, vậy tại sao ông lại nói muốn phá sản cũng không dễ?

 

Dù kinh doanh đang trong tình trạng thua lỗ, số lượng xe nằm nhà nhiều hơn xe chạy nhưng phải gắng gượng sống, gắng gượng “cày” để còn lấy khoản này đắp khoản kia… nhằm trả lãi cho ngân hàng. Phá sản thì lấy đâu ra tiền để trả lãi ngân hàng nữa. Nói chung, chúng tôi đang rơi vào tình trạng lỗ cũng phải chạy, sống thêm ngày nào hay ngày đó. Hy vọng biết đâu năm tới “Nhà nước lại thương mà cứu chúng tôi”.

 

Theo Đào Lê – Đoàn Quý

SGTT