Pha "bẻ lái" khét lẹt của một cổ phiếu liên quan đại gia Trịnh Văn Quyết

Mai Chi

(Dân trí) - Chứng khoán hồi phục song phần lớn nhà đầu tư vẫn thua lỗ. Cổ phiếu "họ" FLC giảm sâu nhưng ART lại có pha "bẻ lái" từ giá sàn lên giá trần.

Thị trường chứng khoán trở lại phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày không nằm ngoài dự đoán: Hàng trăm mã cổ phiếu bị bán mạnh ngay đầu phiên.

Tuy nhiên, hành động của nhà đầu tư trước những thông tin bất lợi về Covid-19 không còn thái quá như giai đoạn trước. Theo đó, ngay khi về sát 1.213 điểm khi kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), VN-Index lập tức bật trở lại và thử thách thành công ở ngưỡng này trong nhịp điều chỉnh sau đó.

Trước 10h, chỉ số chính xác lập xu hướng hồi phục mạnh mẽ dù lực kéo vẫn từ một số đầu tàu trong rổ VN30.

Pha bẻ lái khét lẹt của một cổ phiếu liên quan đại gia Trịnh Văn Quyết - 1

Thị trường hồi phục song cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa vẫn còn yếu (ảnh chụp màn hình).

Kết phiên, VN-Index tăng trong sự vỡ òa của giới đầu tư. Nhiều người đã chuẩn bị tinh thần cho một phiên rũ cung cực mạnh và lên tinh thần cho việc tài khoản sẽ tiếp tục "bốc hơi". Thế nhưng, với sự gia nhập tích cực của dòng tiền mới, VN-Index kết phiên ấn định mức tăng 2,81 điểm tương ứng 0,23% lên 1.242,2 điểm.

Cần lưu ý là thị trường chung vẫn chưa hồi phục "đồng pha". Đà tăng của VN-Index chủ yếu là nhờ vào nhóm trụ.

Bằng chứng là trong khi VN30-Index phiên này tăng tới 15,75 điểm tương ứng 1,2% lên 1.328,03 điểm thì chỉ số VNMID-Index của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa vẫn giảm 15,64 điểm tương ứng 1,05% và VNSML-Index của nhóm vốn hóa nhỏ giảm 6,72 điểm tương ứng 0,52%.

Trên sàn HNX, chỉ số hoạt động dưới đường tham chiếu trong toàn phiên giao dịch, đóng cửa mất 4,04 điểm tương ứng 1,43%. UPCoM-Index tương tự cũng giảm 0,82 điểm, tương ứng 1,01% còn 79,86 điểm.

Theo thống kê, số mã giảm giá vẫn áp đảo hoàn toàn mã tăng với 606 mã giảm, 41 mã giảm sàn so với 334 mã tăng, 48 mã tăng trần. Như vậy, chỉ một bộ phận nhà đầu tư được hưởng lợi trong phiên "xanh vỏ đỏ lòng" này của thị trường.

Ngay cả trong rổ VN30 cũng chỉ có một nửa số cổ phiếu tăng, phần còn lại giảm giá. Một số mã có mức tăng nổi trội là TCB tăng 5,9%; CTG tăng 5,4%; KDH tăng 5,1%; PDR tăng 4%; TCH tăng 3,9%; MBB tăng 3%; HPG tăng 2,9%; FPT tăng 2,5%...Chiều ngược lại, BVH giảm 3%; PNJ giảm 2,9%; REE giảm 2,8%; VRE giảm 2,2%; MSN giảm 2,1%, VNM giảm 2%; POW giảm 2%.

Anh Nguyễn Quang Tú, một nhà đầu tư tại TP.HCM, cho biết: "Thị trường hồi phục nhưng tài khoản của tôi vẫn thiệt hại rất nặng. Tôi đang âm gần 5% trên tổng giá trị tài khoản khoảng trên 1 tỷ đồng, nếu như trong những phiên tới, thị trường vẫn phân hóa như hiện tại thì thật sự đáng lo ngại, một số mã tôi đã phải cắt lỗ do lỗ vượt 7%".

Nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn giảm sâu. GTN giảm 6,6%; ASM giảm 5,2%; HBC giảm 5%; PHR giảm 4,3%; HQC, TNT, ABS, HAR, SJF vẫn giảm sàn, trắng bên mua.

Phân hóa xảy ra trong "họ" FLC. Nếu KLF giảm sàn, ROS giảm 6,8%; HAI giảm 6,3%; FLC giảm 5,4% thì AMD lại tăng 0,4%; ART tăng trần 9,6%.

Pha bẻ lái khét lẹt của một cổ phiếu liên quan đại gia Trịnh Văn Quyết - 2

Phần lớn cổ phiếu "họ" FLC thoát sàn nhưng nhiều mã vẫn giảm sâu (ảnh chụp màn hình).

Hầu hết mã này đều có thời điểm bị giao dịch ở mức giá sàn. Do đó, với việc AMD từ trạng thái giảm sàn chuyển sang tăng giá, ART thậm chí từ mức sàn 7.500 đồng lên thẳng mức trần 9.100 đồng đã khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng. Cuối phiên, ART thậm chí không có dư bán và dư mua trần hàng triệu đơn vị.

Tính ra, chỉ trong 1 phiên, biên dao động tại ART lên tới hơn 20% và những nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu này, nếu thực hiện thêm chiến lược "lướt T0", mua một lượng cổ phiếu trong phạm vi hàng sẵn có tại mức sàn rồi bán tại mức trần khối lượng tương đương sẽ thu được khoản lợi nhuận lớn. Đây cũng là phương pháp "gỡ lỗ" khi nhà đầu tư bất đắc dĩ bị "kẹp hàng".

"Tôi thật sự đã sống lại khi tài khoản đang âm hơn 200 triệu đồng ở ART. Thực tế, tôi đã tính đến việc phải cắt lỗ khi ART giảm sàn, và rất may tôi đã không làm điều đó. Những nhà đầu tư kiên nhẫn đã được đền đáp" - chị Hà Phan, một nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ.

Thanh khoản trong phiên này được đẩy lên 21.481,29 tỷ đồng trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 798,49 triệu đơn vị. Trong số này, hơn một nửa dòng tiền đổ vào VN30, giá trị giao dịch trong rổ này đạt 11.789 tỷ đồng.

Một số mã có giao dịch mạnh là STB khớp 54 triệu cổ phiếu; HPG khớp 33 triệu cổ phiếu; TCB khớp 32 triệu cổ phiếu; CTG khớp 25 triệu cổ phiếu.