1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

PGS-TS Vũ Sỹ Cường: "Chúng ta còn rất nhiều tiền nhưng không tiêu được"

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - PGS-TS.Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính), cho biết như vậy khi đề cập tới nguồn lực để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

"Chúng ta cần chấp nhận sai sót để đạt mục tiêu"

Sau 2 năm bùng phát, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

Tại Việt Nam, GDP 9 tháng qua chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 10 năm qua; bình quân một tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước là 2,67% (quý I là 2,19%; quý II là 2,4%; quý III là 3,43%).

Chia sẻ tại tọa đàm chủ đề động lực kích thích kinh tế tăng trưởng và doanh nghiệp phục hồi sau dịch do Báo Dân Việt tổ chức hôm 21/10, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, cho biết, ở Việt Nam, cứ khoảng 10 năm có một cuộc khủng hoảng, đến nay nước ta đã có 3 cuộc khủng hoảng xuống mức đáy với mức tăng trưởng là 4,7%, 5,1% và năm nay chỉ khoảng 2%.

PGS-TS Vũ Sỹ Cường: Chúng ta còn rất nhiều tiền nhưng không tiêu được - 1

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (Ảnh: DV).

Những cuộc khủng hoảng trước đây, Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới vực nền kinh tế lên được và mức tăng trưởng rất chậm, chỉ đều đều lên được từ 1% - 2%. Dự báo về tăng trưởng, vị chuyên gia này cho rằng, với đà phát triển như hiện nay, năm 2022 nếu tăng trưởng tốt, cao nhất cũng chỉ có thể đạt 5%. Trong đó, việc đặt về mục tiêu tăng trưởng quá cao vô hình tạo ra nhiều áp lực cho các nhà làm chính sách, các nhà lãnh đạo.

Theo ông Cung, chúng ta cần thay đổi cách thức triển khai, cần chấp nhận một số sai sót để đạt mục tiêu. Hiện Việt Nam lo sai sót quá nhiều mà không quan tâm đến mục tiêu đã đặt ra. Đối tượng đáng không được hưởng hỗ trợ thì vẫn hỗ trợ, đối tượng bần cùng, khó khăn thì đôi khi vẫn bị bỏ sót. Nếu chúng ta cứ làm theo quy định, tiến theo quy trình mà không hướng đến mục tiêu thì nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ khó hồi phục.

"Giải pháp trước mắt là tăng cầu. Vậy tăng thế nào? Có hai vấn đề tôi muốn nói ở đây là tiền tệ và tài khóa. Hiện năng lực của ta tốt hơn rất nhiều so với 10 năm trước. Dư địa còn nhiều nhưng chi tiêu quá thấp. Cần sử dụng công cụ tài khoán, tôi đề nghị tăng bội chi ngân sách lên từ 8-10%", ông Cung nói.

Hạ lãi suất để làm gì?

PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng nguồn lực của Việt Nam, hay nói cách khác tiền của Việt Nam, không thiếu nhưng không tiêu được.

PGS-TS Vũ Sỹ Cường: Chúng ta còn rất nhiều tiền nhưng không tiêu được - 2

PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính thuộc Học viện Tài chính (Ảnh: Dân Việt).

Năm nay, tổng gói hỗ trợ của Việt Nam vào khoảng 3% GDP cả trực tiếp và gián tiếp. Nếu năm sau tiếp tục hỗ trợ 1 gói tương đương, nợ công của Việt Nam lên cao nhất chỉ 57,4% vào năm 2023 và giảm xuống, tức là chưa quá trần.

"Chúng ta còn rất nhiều tiền nhưng không tiêu được, thậm chí là tiền trợ cấp cũng chưa tiêu hết. Dễ nhất là tiền chúng ta sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trực tiếp bằng tiền mặt nên giải ngân nhanh. Từ đó rút ra một điều, thực hiện chính sách của chúng ta cần nhanh hơn", ông Cường nói.

Đề cập tới chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - cho biết: "Chúng ta hạ lãi suất để làm gì khi doanh nghiệp không có đủ điều kiện vay vốn; không miễn giảm lãi, giãn nợ thì doanh nghiệp cũng không có tiền để trả... hay như việc miễn giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, doanh nghiệp có kinh doanh đâu mà có lãi để nộp thuế. Tất cả những động thái này đều tốt nhưng lại không thể kích thích được doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Điều doanh nghiệp cần lúc này là oxy để thở, họ cần tiền mặt thật".

PGS-TS Vũ Sỹ Cường: Chúng ta còn rất nhiều tiền nhưng không tiêu được - 3

TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (Ảnh: Dân Việt).

Ông Nghĩa dẫn số liệu về các gói hỗ trợ của các quốc gia trên thế giới kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và cho biết: Thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó khoảng 10.905 tỷ USD (9,7% GDP, chiếm 61% tổng các gói hỗ trợ) là các gói hỗ trợ tài khóa, còn lại 7.005 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 39%) là các giải pháp tiền tệ.

Riêng Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị khoảng 5.838 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP của Mỹ năm 2020. Trong khi, Nhật Bản chi tới 61% GDP, châu Âu chi khoảng 20% GDP, hay như Thái Lan 16,8% GDP.

Trả lời cho câu hỏi "tiền ở đâu?", theo ông Nghĩa, tiền của Chính phủ các nước chỉ đủ chi tiêu thường xuyên và trả nợ. Để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ các nước đều phát hành trái phiếu và trong trường hợp đặc biệt này trái phiếu này phải bắt Ngân hàng Trung ương (NHTW) mua trái phiếu này. Lý do là để hạn chế nợ công và với trái phiếu NHTW mới có thể dùng công cụ chính sách tiền tệ để hút tiền về trong tương lai.

Cũng theo ông Nghĩa, nguồn hỗ trợ được các nước dùng bổ sung ngân sách để tài trợ thất nghiệp, tài trợ việc làm bằng phát tiền mặt; cho vay các doanh nghiệp lớn mà ngân hàng không thể cho vay nhưng đây đều là các doanh nghiệp rất quan trọng trong nền kinh tế; bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn.

Nhìn vào các gói hỗ trợ trong nước, tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa hỗ trợ nhất định phải có "tiền tươi thóc thật".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm