PGS.TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp rất cần “cởi trói” thủ tục hành chính
(Dân trí) - “Bây giờ, đổi mới thủ tục như hòn đá tảng vậy, để hòn đá lăn được thì khó nhất là lúc vừa mới đẩy. Còn khi hòn đá đã lăn rồi thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”.
Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trong Hội nghị Đầu tư 2018 với nội dung “Kinh tế 4.0 từ tiến hóa đến cách mạng” vừa diễn ra tại TPHCM.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp hiện nay đang phải “gánh” quá nhiều thủ tục hành chính rườm rà khiến khó phát triển nhanh chóng. Chính vì vậy, cần phải “cởi trói” thủ tục để các doanh nghiệp vươn lên. Chính phủ cũng đang cố gắng và nỗ lực đưa ra nhiều phương án cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp.
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng thông tin, Chính phủ đặt mục tiêu đến tháng 4/2017 phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh như cắt giảm thủ tục thuế, hải quan, xuất khẩu… nhưng cho đến nay thì mới chỉ cắt giảm được chưa đến 20%.
Luật đất đai cũng là luật được sửa nhiều nhất trong thời gian qua, nhưng cho đến nay thì luật này cũng chưa “tháo gỡ” được nhiều vấn đề cho doanh nghiệp và xã hội.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên nhân dẫn đến chậm cải cách các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là vì việc cải cách bị trì trệ trong thời gian quá lâu và đáng lẽ việc cải cách cần ráo riết, đồng loạt hơn ngay từ năm 1986.
“Bây giờ, đổi mới thủ tục như hòn đá tảng vậy, để hòn đá lăn được thì khó nhất là lúc vừa mới đẩy. Còn khi hòn đá đã lăn rồi thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”, ông Thiên nói.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, câu chuyện bỏ các thủ tục rườm rà, chưa hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhưng sẽ ảnh hưởng đến một số người đang có quyền, có chức và lợi ích nhóm.
“Bây giờ phải làm sao? Chúng ta cải cách thủ tục càng nhanh mà càng có nhiều tiền thì khác, nhưng đằng này là cải cách càng chậm thì càng có tiền. Lương thấp nhưng một số cán bộ vẫn ‘sống khỏe’. Nhiều người nghĩ, đang kiếm tiền nhiều thì cần gì phải cải cách nhanh”, PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Vị phó giáo sư, tiến sĩ cũng cho rằng, bản chất của cải cách là đương đầu với những lợi ích cũ và doanh nghiệp cần phải gây áp lực lên chuyện này. Khu vực tư nhân đang là nền tảng trong việc phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, khu vực tư nhân hiện nay tạo ra đến 90% việc làm mới cho người lao động và đóng góp khoảng 50% GDP cả nước. Khu vực này đang dần lớn mạnh và khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của mình đối với nền kinh tế đất nước.