Doanh nghiệp mất 1 tháng 10 ngày để nộp thuế và bảo hiểm

(Dân trí) - Chỉ số nộp thuế của Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ so với năm trước và khó cải thiện so với yêu cầu đặt ra, đáng nói số giờ để doanh nghiệp giải quyết các thủ tục về thuế, bảo hiểm chiếm rất lớn thời gian của doanh nghiệp.

Đây là báo cáo của Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) tại Hội nghị Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về Cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (2/11).

Doanh nghiệp Việt vẫn phải tốn thời gian để chuẩn bị giấy tờ nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế
Doanh nghiệp Việt vẫn phải tốn thời gian để chuẩn bị giấy tờ nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế

Theo VTCA, tổng số giờ/năm để doanh nghiệp nộp thuế năm 2018 vẫn giữ ở mức 498 giờ/năm, tương đương 41 ngày làm việc (tính theo giờ hành chính 12 giờ/ngày), tương đương khoảng 1 tháng 10 ngày làm việc giải quyết các thủ tục hành chính trong ngày.

Đáng nói, theo cơ quan trên, thời gian cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị tài liệu là rất lớn. Số thời gian chuẩn bị tài liệu của doanh nghiệp để thực hiện nộp các nghĩa vụ thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế VAT và bảo hiểm xã hội (BHXH) là 457 giờ/năm, tương ứng với 1 tháng 8 ngày làm việc giờ hành chính.

Trong đó, thời gian yêu cầu chuẩn bị tài liệu nộp thuế VAT là 212 giờ/năm (hơn nửa tháng); thời gian chuẩn bị tài liệu nộp thuế TNDN và BHXH tương ứng trên 120 giờ/năm (10 ngày).

Các công đoạn kê khai, nộp thuế chỉ mất 41 giờ/năm (3 ngày làm việc giờ hành chính), chiếm dưới 30% số giờ nộp thuế.

Cũng theo VTCA, doanh nghiệp Việt nhìn chung mất thời gian lớn để giải quyết các thủ tục về bảo hiểm xã hội với cơ quan thuế với 247 giờ/năm, chiếm gần 50% tổng thời gian doanh nghiệp thực hiện ba nghĩa vụ: Nộp thuế TNDN, thuế VAT và BHXH.

Con số mà bà Hoàng Thị Lan Anh, đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đưa ra cho biết, xếp hạng chỉ số nộp thuế năm 2018 của Việt Nam theo báo cáo Doing Business năm 2019 đứng thứ 131/190 nền kinh tế, kết quả này tụt 45 bậc so với kết quả tại Báo cáo Doing Business 2018 (tính cho năm 2017) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm ngoái.

Mặc dù các chỉ số nộp thuế của Việt Nam theo báo cáo Doing Business 2019 đều được đánh giá cải thiện mạnh và có nhiều chỉ số giảm đi rõ rệt, tuy nhiên, thời gian nộp thuế năm 2018 vẫn bị đánh giá như năm 2017 cùng ở mức 498 giờ. So với báo cáo về chỉ số nộp thuế năm 2016, 2015 của WB, số giờ nộp thuế năm 2018 có giảm đáng kể nhưng từ năm ngoái đến nay số giờ này vẫn không giảm, đứng nguyên như cũ.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, chỗ đứng, cách nhìn, tiếp cận của Việt Nam về đánh giá môi trường kinh doanh khách quan hơn, chính xác hơn.

Ông Cung cho rằng, hiện Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận và lấy đánh giá của quốc tế, cụ thể là của Ngân hàng Thế giới (WB) Doing Business để làm thước đo cải cách. Chúng ta không tự đánh giá, đây là cách thức tiếp cận tốt.

Tuy nhiên, Viện trưởng Cung thừa nhận, hiện có một thực tế là chúng ta đang phải "mềm" hóa mục tiêu, giảm sự quyết tâm loại bỏ rào cản của mình.

Ông Cung nêu ví dụ, đầu năm 2018, Chính phủ yêu cầu phải cầu cắt bỏ 50% các điều kiện kinh doanh, giấy phép con. Tuy nhiên, sau đó khó thực hiện, đã phải thay mục tiêu "cắt bỏ" sang "cắt giảm", "đơn giản hoá" 50% các điều kiện, giấy phép con.

"Những rào cản nào cắt bỏ hẳn, nó sẽ mất, còn những rào cản nào giảm thiểu, đơn giản hóa thì vẫn còn đó và vẫn là rào cản. Nếu các bộ, ngành, địa phương, mà ở đó cán bộ vẫn không thay đổi thì không đạt hiệu quả. Việc này trở thành thực tế là kiểu cải cách từ trung ương nhưng không xuống được tới địa phương, địa phương không thay đổi", TS Cung khẳng định.

Ông Cung nhấn mạnh, chúng ta đạt được nhiều thứ, nhiều điều khi lấy các tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam, nhưng còn phải làm hơn nữa để có kết quả thực chất và tiến bộ.

Nguyễn Tuyền

Doanh nghiệp mất 1 tháng 10 ngày để nộp thuế và bảo hiểm - 2