1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Địa phương thuê đất của dân 20 năm rồi cho doanh nghiệp thuê lại

(Dân trí) - Chính quyền cấp huyện, cấp xã đứng ra thuê đất của dân (20 năm), sau đó cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại đang là cách làm mới để có thể tích tụ ruộng đất, giúp địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Mô hình tích tụ ruộng đất trên được Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam, ông Ngô Mạnh Ngọc chia sẻ tại Hội thảo “Các rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng nay (30/10) tại Hà Nội.

Lý giải về việc chính quyền địa phương đứng ra thuê lại đất nông nghiệp của nông dân, ông Ngọc cho biết: “Ruộng đất tại nhiều địa phương hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc tích tụ đất đai gặp rất nhiều khó khăn.”

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam

“Bên cạnh đó, nhiều hộ dân vẫn băn khoăn vấn đề cho thuê 20 năm sau, thì sau thời gian đó đất còn hay mất. Nếu còn thì khi kết thúc thời hạn giao đất còn có thể sản xuất nông nghiệp không?”, ông Ngọc nói.

Vì thế, người dân rất cần một sự tin tưởng mà chỉ có chính quyền địa phương mới có thể đủ sức đảm nhiệm vai trò này.

Ngoài sự đồng thuận từ người dân, mô hình tích tụ ruộng đất này của tỉnh Hà Nam cũng được khá nhiều DN có mặt tại hội thảo hưởng ứng. Bởi ngân sách tỉnh sẽ ứng trước để trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm. Doanh nghiệp chỉ phải trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng, sau 10 năm nộp trả hết số tiền thuê đất còn lại.

Có cơ chế ưu đãi như vậy cho DN vì theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nam: “Sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã thấp, lại rủi ro cao nên nhiều doanh nghiệp thực sự không muốn đầu tư chứ chưa nói tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nó đòi hỏi vốn bỏ ra lần đầu rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Vì còn phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất nông nghiệp, nên đòi hỏi tỉnh phải có cơ chế mạnh để thu hút đầu tư”.

Đổi lại, DN khi thuê đất cần phải cam kết là ưu tiên lao động địa phương. Đặc biệt, ưu tiên các lao động thuộc hộ có đất cho thuê. Điều này DN phải cam kết với chính quyền địa phương.

Lợi ích chia đều các bên tham gia, tuy nhiên, đại diện Sở Nông nghiệp Hà Nam cho biết, Tỉnh không ép các hộ dân phải tham gia. Những hộ nào có nhu cầu thực sự về thì sẽ tạo điều kiện để nông dân sản xuất tại địa phương.

Sau một thời gian thí điểm, đến nay đã Hà Nam đã tích tụ 375,5 ha. Có 2 khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Lý Nhân đã đi vào hoạt động với diện tích 202,3 ha. Giải quyết việc làm cho trên 400 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Có những thành công bước đầu, tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vướng mắc còn tồn tại, bởi theo ông Ngô Mạnh Ngọc: “Nhiều người dân hiện nay có tư tưởng, cho thuê là mất đất, hoặc khi hết thời gian thuê đất doanh nghiệp trả lại đất thì mặt bằng ra sao có sản xuất được hay không.”

“Đặc biệt, một số hộ dân đã đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và những hộ kinh doanh vật tư phân bón,... đã có ý kiến dèm pha, kích động nhân dân không cho thuê đất, do sợ tích tụ ruộng đất ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của họ”, ông Ngọc cho biết thêm.

Tuy nhiên, cho đến nay, vướng mắc lớn nhất theo ông Ngọc vẫn là, chính quyền các cấp chưa được phép thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp (DN) thuê lại. Vì Luật đất đai năm 2013 không quy định các cấp chính quyền được thuê quyền sử dụng đất của dân.

Tích tụ tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp
Tích tụ tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp

Bên cạnh đó, Luật ngân sách cũng không cho phép ứng tiền ngân sách để trả tiền thuê đất của dân sau đó thu của doanh nghiệp nhiều lần để hoàn trả. Thêm nữa là quy định về hạn điền đã hạn chế việc các hộ dân đứng ra tích tụ, tập trung đất đai (không được quá 10 lần).

Rất muốn học hỏi kinh nghiệm tích tụ ruộng đất tại Hà Nam, nhưng có một thực tế tại Hoà Bình mà theo Chi Cục trưởng Chi cục quản lý đất đai tỉnh Hoà Bình thì hiện nay: “Các giao dịch thị trường đất nông ngiệp chủ yếu phục vụ việc chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất theo các dự án chứ chưa có các DN lớn vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.”

“Đất sản xuất nông nghiệp được giao cho các hộ dân manh mún, địa hình đồi núi lại phức tạp, không thuận lợi cho việc thực hiện các dự án nông nghiệp lớn. Vì thế, DN đứng ra thỏa thuận với hộ dân về cơ chế giá cũng áp lực cho DN. Thậm chí, khi thoả thuận đạt 80 - 90% số hộ và diện tích nhưng vài hộ còn lại không thoả thuận được thì toàn bộ dự án cũng bị ảnh hưởng”, đại diện Chi Cụ quản lý đất đai Hoà Bình chia sẻ thêm.

Thế Hưng

Địa phương thuê đất của dân 20 năm rồi cho doanh nghiệp thuê lại - 4