Petrolimex chỉ nắm thị phần khoảng 48%

(Dân trí) - Thông qua Bộ Công thương, Tập đoàn này phủ nhận vị thế độc quyền do thị phần chiếm giữ chưa quá 50%. Trong khi đó, thị phần của Xăng dầu Quân đội giảm từ 5,8% xuống còn 2,2%, Vinalines từ 1,2% còn 0,3%.

Bộ Công thương mới đây cho biết, thị phần thực tế của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại thị trường nội địa chỉ đạt khoảng 48%. Cơ quan này cũng nêu rõ, con số này là theo tính toán của Petrolimex

Trên cơ sở đó, Petrolimex phủ nhận thông tin cho rằng, thị phần của Petrolimex là 60% và như vậy đang giữ vị trí độc quyền. Tập đoàn này đang đề nghị Bộ Công Thương công bố số liệu thị phần thực tế cũng như thị phần danh nghĩa của các doanh nghiệp xăng dầu hoạt động trên thị trường hiện nay.

Thị phần nắm giữ của Petrolimex trên thị trường nội địa vẫn đang vượt xa các doanh nghiệp khác.

Thị phần nắm giữ của Petrolimex trên thị trường nội địa vẫn đang vượt xa các doanh nghiệp khác.

Trước đó, tại cuộc họp chiều ngày 9/7 kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, báo cáo của Bộ Công Thương có lưu ý, nếu như trước đây, thị phần của Petrolimex trong nước là chủ yếu (chiếm hơn 70%), thì đến nay chỉ còn khoảng 50%.

Trong khi đó, thị phần của PV Oil từ khoảng 13% vào năm 2008 cũng đã tăng lên khoảng 16,4%. Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ tăng thị phần từ khoảng 1,8% (năm 2008) lên khoảng 5,7% (năm 2011).

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp đầu mối bị giảm thị phần tiêu thụ xăng dầu nội địa, như Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco) từ khoảng 5,8% giảm còn 2,2%, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) từ 1,2% giảm còn 0,3%.

Về hoạt động của Petrolimex, trong tháng 8, tổng sản lượng xuất bán (nội địa & tái xuất) của Tập đoàn ước đạt trên 751.000 m3/tấn. Tổng sản lượng xuất bán tại thị trường nội địa 8 tháng đầu năm 2012 ước đạt 5,13 triệu m3, tấn, bằng 63% kế hoạch năm 2012 và thấp hơn so với cùng kỳ (8 tháng đầu năm 2011) là 5%.

Trong chính sách giá với mặt hàng này, chỉ tính riêng tháng 8 đã có sự điều chỉnh giá liên tiếp 3 lần vào các ngày 1/8, 13/8 và 28/8. Giá xăng dầu tăng trong tháng 8 đã góp phần khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng trở lại. Tính từ đầu năm thị trường xăng dầu đã có 10 lần điều chỉnh, 5 lần giảm và 5 lần tăng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trong lần xuất hiện tại Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" đợt vừa rồi có cho rằng, giá xăng dầu ở Việt Nam đang bán thấp hơn các nước. Do giá thấp nên việc xuất lậu xăng dầu sang nước xung quanh vẫn diễn ra, vì vậy, cần có lộ trình để điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, vì giá xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành kinh tế nên cần có các công cụ như quỹ bình ổn, thuế... điều chỉnh để giá không biến động hàng ngày.

Với giá xăng dầu, hiện Nhà nước vẫn đang thông qua doanh nghiệp để hỗ trợ người dân nhưng sự hỗ trợ này sẽ phải giảm dần trong thời gian tới. Doanh nghiệp xăng dầu chỉ được tự chủ trong một số điều kiện nhất định và tăng giảm dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.

Bích Diệp