Phải chia nhỏ Petrolimex để xóa độc quyền

Theo các chuyên gia, cần chia nhỏ Petrolimex thành nhiều đơn vị độc lập để giúp thị trường có sự cạnh tranh đúng nghĩa. Ngoài ra, có thể xem xét mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

 

Giá xăng dầu tăng liên tiếp 4 lần chỉ trong vòng có 40 ngày.

Giá xăng dầu tăng liên tiếp 4 lần chỉ trong vòng có 40 ngày.

 

Xem xét mở cửa cho doanh nghiệp ngoại

 

Trao đổi với PV, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, để thị trường xăng dầu cạnh tranh đúng nghĩa, không “nửa vời” như hiện nay, cần chia tách Petrolimex thành các loại hình doanh nghiệp: Xuất nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, hoạt động tách rời, hoạch toán riêng. Cùng với đó có thể đẩy mạnh việc cổ phần hóa Petrolimex với sự tham gia của các doanh nghiệp có kinh nghiệm quốc tế.

 

Với bề dày kinh nghiệm kinh doanh ở nhiều thị trường quốc tế, khi có các đối tác quốc tế lớn tham gia hội đồng quản trị của doanh nghiệp xăng dầu sẽ giúp được rất nhiều việc trong việc thay đổi quản trị.

 

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, thị trường xăng dầu đang vận hành theo cơ chế thị trường nửa vời.

 

Cơ chế thị trường có nguyên tắc riêng. Điều 19 trong Luật Giá nói rất rõ: Những mặt hàng nào còn độc quyền thì Nhà nước phải định giá. Thị trường xăng dầu hiện nay chưa có cạnh tranh thực sự vì Petrolimex chiếm hơn 50% thị phần, cộng với PV Oil và Saigon Petro (3 đơn vị này chiếm hơn 80% thị phần).

 

Ông Long cũng cho rằng cần đẩy mạnh việc cổ phần hóa Petrolimex, để cho thị phần (của Petrolimex) nhỏ đi.

 

Đồng quan điểm, nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, để xóa độc quyền trong lĩnh vực xăng dầu, một mặt nhà nước cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng các khu lọc hóa dầu để trong 5-10 năm tới Việt Nam chủ động được 70% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước.

 

Mặt khác, để tiến tới thị trường cạnh tranh cần cởi mở để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, từng bước xóa bỏ độc quyền, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường làm cho giá cả xăng dầu bị méo mó.

 

“Kinh nghiệm của các nước đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn là phải chia nhỏ ra hoặc chuyển sang sản xuất, kinh doanh mặt hàng khác. Việc cổ phần hóa cũng không phải dễ do Petrolimex có hạ tầng, thị phần cực tốt hiện nay. Để làm được việc này phải có ý chí quyết tâm rất lớn của các cơ quan có liên quan và của Chính phủ. Việc này đòi hỏi cả quá trình”- ông Long nói.

 

Cơ quan Quản lý nên nằm ngoài Bộ Công Thương?

 

Cần chia tách Petrolimex để có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa.
Cần chia tách Petrolimex để có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa.

 

Theo ông Doanh, việc e ngại Petrolimex chia tách ra sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng là không đúng vì ở các nước các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều của tư nhân.

 

“Còn việc cổ phần hóa thì ngay đến một ngân hàng lớn Việt Nam như Vietcombank cũng cổ phần hóa cho doanh nghiệp bên ngoài góp vốn, tham gia quản trị. Bán xăng là kinh doanh bán lẻ có vấn đề gì đâu mà không cho cổ phần hóa.

 

Cùng với việc cổ phần hóa, chia tách thành các đơn vị nhỏ, cũng nên xóa bỏ tập đoàn xăng dầu”- ông nói. Theo ông Doanh, đến nay Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) gần như tê liệt hoàn toàn trước sự độc quyền trong lĩnh vực xăng dầu.

 

Việc Bộ Công Thương đề ra lộ trình tái cơ cấu ngành điện, nhưng lại bị EVN “bác” cho thấy vai trò quản lý với tập đoàn bị yếu.

 

“Cần tăng cường vai trò của Cục Quản lý Cạnh tranh, đưa đơn vị này nằm ngoài Bộ Công Thương để có tiếng nói độc lập trong kiểm soát cạnh tranh, độc quyền. Ở các nước, cơ quan quản lý cạnh tranh thường thuộc quốc hội để có tiếng nói riêng”- TS Doanh đề xuất.

 

Tại hội thảo về xăng dầu mới đây, TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, để thiết lập thị trường xăng dầu cạnh tranh bình đẳng, cần xóa bỏ hạn chế trong cấp phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu. Trước hết là xóa bỏ vị thế độc quyền của Petrolimex. Tiếp theo là tách khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu với khâu bán lẻ.

 

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong